V - TẤT
YẾU CỦA LUÂN HỒI
Tạo
nghiệp là nhân, thọ báo là quả. Tất yếu của sự luân
hồi là nhân quả. Lăn lộn trong ba cõi sáu đường đều
tùy thuộc nhân quả. Mình đã gây nhân nhất ủịnh mình
phải chịu quả, quả khổ quả vui là do gây nhân khổ
vui. Nhân quả là lẽ công bằng chân thật, bởi mỗi cá
nhân gây tạo khác nhau, nên sự thọ nhận cũng sai
biệt. Sự công bằng từ nhân đến quả, không phải sự
công bằng do ai khác áp đặt cho mình. Nếu do kẻ khác
áp đặt cho mình là đã bất công rồi,. Ngày nay chúng
ta tạo nhân ngày mai chúng ta thọ quả, thực là rõ
ràng rành mạch biết bao. Song nói nhân quả là căn cứ
trên thời gian suốt cả quá khứ hiện tại vị lai,
trong quá khứ có cái gần có cái xa, vị lai cũng thế.
Khiến có những kết quả xảy đến mà đương sự không bao
giờ nhớ. Lại có những sự kiện gây nhân mà không thấy
kết quả. Do đó nhân quả trở thành rắc rối khó khăn,
người ta khó tin, khó nhận. Nhưng sự thật lúc nào
cũng thật, bởi khả năng nhớ hiểu của con người quá
giới hạn, nên có những thắc mắc thế thôi. Nếu người
nhận hiểu sâu về lý nhân quả thì cuộc sống này đã có
tiêu chuẩn nhắm đến và an ổn vô cùng . Vì mọi kết
quả hiện chịu trong đời đều do nhân gây ra từ thưở
trước , nên khổ không oán hờn, vui không ngạo mạn.
Mình làm mình chịu, chỉ quý ngay đây phải chọn lấy
nhân tốt mà làm, để mai kia khỏi phải thọ quả đau
khổ, cho nên trong kinh nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng
sinh sợ quả”. Kẻ trí sợ nhân, người ngu thì sợ quả.
Do cái nhìn thấu suốt và cái nhìn nông cạn, nên có
chia Bồ Tát và chúng sinh. Nhân có thiện ác thì quả
cũng có khổ vui.
Những
kẻ gây tạo nghiệp ác, ắt phải thọ quả khổ trong ba
đường dữ, địa ngục ma quỷ, súc sinh. Nghiệp ác là
mình làm cho kẻ khác khổ, cân xứng với nhân mình gây,
thọ quả khổ một nơi trong ba đường dữ. Nhân khổ có
khi không thành quả, do nữa chừng mình biết hối cải,
hoặc chuyển đổi. Nhân khổ nhất định thọ quả khổ, do
sự nuôi dưỡng một cách sung mãn. Ví như có người
uống rượu mà không ghiền , vì họ biết giới hạn chừa
bỏ. Có người uống rượu nhất định phải ghiền rượu, vì
họ mãi tiếp tục và say mê. Có nhân khổ mà không thọ
quả khổ, cũng như thế.
Người
gây nghiệp thiện ắt thọ quả vui trong cõi người.,
cõi A Tu La và cõi trời. Cân xứng của nghiệp lành
mình đã tạo, nhiều ít thấp cao, kết quả cũng có hơn
kém thấp cao. Có khi người ta nghiệp lành mà không
hưởng quả lành . ví như một số sinh viên vào học y
khoa, có người không đủ khả năng học hoặc lười biếng
học, nên tuy học y khoa mà không thể thành bác sĩ.
Có người đủ khả năng lại cần cù học tập, nhất định
một ngày kia sẽ thành bác sĩ. Từ nhân đến quả còn
cần có những sự kiện trợ giúp đầy đủ mới được viên
mãn. Không có thể có nhận định tất nhiên rằng có
nhân là có quả. Bởi vì thời gian từ nhân đến quả là
giai đoạn biến động, hoặc được tăng trưởng, hoặc bị
tiêu mòn, tùy theo những sự kiện trợ giúp. Biết thế
chúng ta có thể chuyển nhân xấu thành tốt, hoặc nhân
tốt trở ra xấu.
Sự tất
yếu của luân hồi tùy thuộc nhân quả, không có kẻ nào
khác áp đặt khổ vui cho chúng ta, cũng không có bàn
tay nào lôi kéo chúng ta phải đi đường này hay lối
khác, mọi sự kết quả đều cân xứng với nhân mình gây
tạo. Nắm vững yếu tố này, mới thấy chúng ta trọn
quyền định đoạt số phận của chúng ta. Nếu cuộc đời
của chúng ta hiện được tươi sáng hay đen tối, đều do
sự khéo léo hay vụng về của ta ngày xưa. Can đảm
nhận lấy trách nhiệm của mình, không oán trách kêu
ca, không than thân tủi phận. Chúng ta gan dạ trong
cuộc sống hiện tại, song phải khôn ngoan chọn lối đi
ở ngày mai.