XtGem Forum catalog
↓ Cuối trang
Hãy biết ơn những người đánh đập ta, vì họ đã tiêu trừ nghiệp chướng cho ta.
Ủng hộ chương trình: Trái tim cho em. Soạn tin TTCE gửi 1408, mỗi tin nhắn 16,000 đồng, được chuyển tới Quỹ để hỗ trợ mổ tim nhân đạo cho trẻ em nghèo trên toàn quốc . Chi tiết: http://traitimchoem.vtv.vn
Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn
Tìm kiếm:
Wap học Phật trên mobile
   Hai chữ niệm Phật chúng ta phải nhận thức cho rõ. Niệm Phật không phải là miệng niệm. Nói như cổ nhân: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, dù niệm đến khan cổ họng cũng uổng công”. Như vậy, chúng ta phải niệm như thế nào? Chúng ta thử xét qua chữ niệm có ý nghĩa gì? Văn tự Trung Quốc rất khác xa với văn tự của các nước trên toàn thế giới. Văn tự Trung Quốc là ký hiệu cho trí tuệ, bạn xem qua có thể khai ngộ. Ví dụ như chữ niệm (念), đó là chữ  Hội ý, trên là chữ kim (今), dưới là bộ tâm (心), nghĩa là trong tâm bạn lúc nào cũng nhớ Phật, tưởng Phật thì gọi là niệm Phật. Vì thế mới nói: “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Như vậy, hiện tại trong tâm bạn có Phật thì tâm bạn là Phật, mà trong tâm bạn có Phật thì bạn không phải Phật vậy là ai? Vì thế, nói không phải dùng miệng niệm chính là thế. Trong tâm có Phật thì tương ưng, như vậy cứu cánh Phật ở nơi đâu? Điều này chúng ta cần phải hiểu cho rõ. Phật là chỉ cho tự chân tâm, bản tính của chính mình. Chúng ta hiện tại nhất niệm tương ưng với tự tánh đây gọi là niệm Phật, niệm mà không tương ưng với tự tánh không phải là niệm Phật. Dẫu cho ngày ngày gọi A Di Đà đều không được tính là niệm Phật, đây là đạo lý rất khó hiểu. Cho nên, chúng tôi đem toàn bộ kinh luận Phật dạy quy nạp thành những chữ như sau: Chân thành là tự tánh, thanh tịnh là tự tánh, bình đẳng là tự tánh, chánh giác là tự tánh, từ bi là tự tánh.
 
   Tâm của bạn phải tương ưng với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi thì lúc đó gọi là tâm Phật, như vậy mới gọi là niệm Phật. Niệm Phật cũng chẳng phải là kêu Phật Thích Ca Mâu Ni, kêu gọi Ngài có tác dụng gì? Nếu niệm Phật Thích Ca Mâu Ni trên mặt sự tướng có tương ưng hay không? Có thể nói là tương ưng. Thích Ca có nghĩa là nhân từ, Mâu Ni là thanh tịnh, bình đẳng. Bạn xem có tương ưng không? Chúng ta niệm Thích Ca Mâu  Ni, Thích Ca là từ tự tâm chúng ta lưu xuất ra thanh tịnh và bình đẳng, Mâu Ni là từ tâm lưu xuất ra từ bi, đây mới là niệm. “Một niệm là tương ưng với một niệm Phật”, không phải là niệm một con người nào, niệm một người nào là không có thành tựu. Như vậy, chúng ta phải hiểu ý nghĩa chân chính danh hiệu của Ngài là gì? Tự tâm chúng ta phải tương ưng với danh hiệu mới có thể phát tâm niệm được. Hiện tại chúng ta niệm danh hiệu Phật A Di Đà, danh hiệu này so với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni viên mãn hơn nhiều. Thích Ca trên thực tế chỉ có hai ý nghĩa chính: một là chân thành, từ bi; hai là thanh tịnh, bình đẳng. Mà A Di Đà Phật tự tính tánh đức viên mãn, không thiếu một điều gì, bao quát tất cả, trong kinh thường nói là đại viên mãn, đây chính là ý nghĩa của nó.
 
   Ý nghĩa A Di Đà Phật, nói theo ngôn ngữ Trung Quốc có nghĩa là vô lượng giác, vô lượng trí tuệ, vô lượng giác ngộ, nó bao quát tất cả không thiếu một ý nghĩa. Đối với tất cả danh hiệu của chư Phật khác ý nghĩa còn có giới hạn, còn có cục bộ, song đối với danh hiệu Phật A Di Đà lại đặc biệt được nhấn mạnh. Vì sao Phật lại đản sinh vào thế giới Ta bà này để thành Phật? Chúng ta có cần xưng niệm danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni hay không? Tất cả đều là tùy bệnh mà cho thuốc. Chúng sinh sống trong thế giới Ta bà phần lớn tâm thiếu từ bi, chỉ biết tự tư tự lợi, tâm thiếu thanh tịnh, một ngày từ sớm đến tối chỉ có nghĩ bậy nghĩ bạ. Cho nên, đức Phật dùng danh hiệu để độ chúng sinh, đó cũng chính tôn chỉ của công tác dạy học thời hiện đại. Vậy chúng ta phải niệm như thế nào? Tuyệt đối bạn không được niệm đức Phật đã thành Phật tại Ấn Độ cách đây 3000 năm trước. Nếu bạn niệm vị Phật này thì bạn đã hoàn toàn sai lầm. Người là biểu pháp, danh hiệu chỉ là danh tự, bạn phải thông đạt được ý nghĩa của nó thì mới phát tâm chân chính niệm Phật được. Tâm của bạn quả nhiên đã chân thành, từ bi, thanh tịnh, bình đẳng rồi thì một ngày bạn không cần phải niệm một câu danh hiệu cũng được, đến lúc bạn muốn vãng sinh thì Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn bạn. Vì sao thế? Vì bạn thật sự thực hành đúng với ý nghĩa niệm Phật. Hiện tại, người niệm Phật hiểu được đạo lý sâu mầu này rất ít. Họ chỉ biết ngày ngày niệm, mà tâm ý lại buông lung phóng túng, dù niệm cho đến khan cổ họng, hết hơi cũng chẳng được vãng sinh. Bạn xem có oan uổng hay không? Đây là đạo lý chúng ta cần phải nhận thức cho minh bạch. Đã nhận thức rõ ràng rồi, như thế chúng ta có cần phải niệm A Di Đà Phật nữa hay không? Vẫn phải niệm. Niệm mà không niệm, không niệm mà niệm. Vì sao trên hình thức phải thường niệm Phật A Di Đà? Vì chúng ta muốn giúp đỡ, ủng hộ tha nhân. Tôi niệm A Di Đà Phật, người khác nghe được, nhất định sẽ hỏi: “Anh niệm Phật có những điều tốt gì? Đây chính là cơ hội mà bạn mới có lý do để đem những lợi ích của niệm Phật mà giới thiệu cho người. Người ta nghe xong, hiểu rõ minh bạch, quyết tâm thực hiện và họ ra sức niệm Phật, đây chính là bạn đã độ cho một người rồi. Vì thế, chúng ta niệm danh hiệu Phật phát ra tiếng chủ yếu là làm việc lợi tha, mới đúng là tâm Phật, mới đúng với ý nghĩa chân chính của việc niệm Phật. Sau khi đã chân chính liễu giải và giác ngộ, chúng ta ở tại thế gian, vậy phải cư xử với đại chúng xã hội như thế nào? Chúng ta phải lấy tâm Phật mà cư xử với đời, đây là điều cần phải ghi nhớ. Tôi giảng pháp có thể hiểu, cổ nhân nói chắc khó hiểu. Cổ nhân gọi là phát Bồ đề tâm, danh từ này chúng ta rất khó hiểu. Song, phát Bồ đề tâm là gì? Tôi nói là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, mọi người nghe qua có thể hiểu được một chút. Bồ đề tâm đã phát, nhưng đã đủ tư lương được vãng sinh hay không? Phải nhất hướng chuyên niệm. Chúng ta xem qua kinh Vô Lượng Thọ ba bậc vãng sinh, quan trọng nhất là quy nạp ở tám chữ: phát Bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Một là một phương hướng, một mục tiêu. Như vậy, làm sao có thể nhất hướng chuyên niệm? Chúng ta cũng quy nạp thành mười chữ: nhìn thấu, phóng hạ, tự tại, tùy duyên, niệm Phật. Nhìn thấu là nhận thức đúng bản chất của vũ trụ và nhân sinh, tất cả sự lý nhân quả bạn phải thông đạt rõ ràng, như vậy mới gọi là nhìn thấu. Sau khi rõ biết được chân tướng mọi vật rồi, bạn cần phải phóng hạ, phóng hạ cái gì đây? Đó là những tư tưởng tự tư tự lợi, phóng hạ đi những cái gì chẳng phải là ta, là của ta, là tự ngã của ta; phóng hạ đi tham lam, sân hận, si mê và kiêu mạn. Điều này trong kinh Phật gọi là đoạn phiền não kiến, tư hoặc, phiền não trần sa hoặc và vô minh phiền não. Đây là những danh từ đòi hỏi có rất nhiều thời gian giải thích mới hiểu được. Có người nghe qua chắc không hiểu, vì chúng ta không có thời gian nhiều. Cho nên, tôi đem những danh từ này dùng ngôn ngữ hiện đại nói qua. Kiến tư phiền não là gì? Là chấp trước. Cái gì gọi là trần sa phiền não? Là phân biệt. Cái gì gọi là vô minh phiền não? Chính là vọng tưởng. Nói theo phương pháp này có lẽ mọi người có thể hiểu được. Như vậy, phóng hạ là phóng hạ tất cả vọng tưởng, phân biệt và chấp trước. Phật dạy chúng ta phóng hạ không phải nói là phóng hạ đi công ăn việc làm, điều này có rất nhiều người nhận thức sai lầm. Nếu quả như đức Phật Thích Ca dạy chúng ta phóng hạ đi công tác thì hà tất gì suốt 49 năm trời Ngài phải khổ nhọc xuôi ngược khắp nước Ấn Độ để giảng kinh thuyết pháp? Bản thân của tôi ngày ngày cũng phải đến các nơi để thuyết pháp, vì sao tôi không phóng hạ đi? Như vậy, phóng hạ ở đây chính là vứt bỏ vọng tưởng, phân biệt và chấp trước. Đây là đạo lý chúng ta cần phải hiểu.
 
   Trong công việc, chúng ta phải nỗ lực hơn và làm một cách viên mãn hơn. Tuy làm mà tâm được tự tại an lạc. Trước đây, làm việc có nhiều phiền não, thế nhưng ngày nay làm việc rất an lạc. Vì sao thế? Vì trước đây làm là để phục vụ cho tự kỷ, phục vụ cho chính mình. Đã có tự kỷ thì có phiền não, đánh mất đi nhân tâm; còn vì người khác mà làm việc thì không phiền não. Cho nên, sau khi giác ngộ rồi, chúng ta buông xả tất cả, ngày ngày sống trên thế gian làm những việc nghĩa cho chúng sinh, cho xã hội. Vì thế, tuy làm mà rất an lạc, làm việc lại được viên mãn, chúng sinh lại có phước. Ngược lại, bạn làm việc không hết mình, người khác không được an vui, bạn lại đánh mất đi nhân tâm, thiếu phước báo, như thế làm sao mà không an lạc? Vì thế, dù là hiện tại hay vị lai, bạn đang công tác ở đâu hay làm bất kỳ công việc gì, trong đời sống sinh hoạt, tất cả bạn điều phải biết tùy duyên mà không được phan duyên, như thế bạn sẽ được tự tại. Tuyệt đối không có suy tưởng là tôi làm cái này, tôi làm cái kia, như vậy bạn sẽ có phiền não. Chư Phật, Bồ tát bận rộn hơn chúng ta rất nhiều. Bạn nghĩ xem, chúng ta thường niệm Quán Thế Âm Bồ tát, Ngài đối với chúng ta rất quen thuộc. Đặc điểm của Ngài là nghìn xứ cầu nghìn xứ cảm ứng. Có rất nhiều người trong hư không pháp giới cầu sự giúp đỡ của Ngài. Ngài bận rộn đến tíu tít, chúng ta không bận rộn bằng Ngài. Chúng sinh cần thân gì để độ Ngài liền hiện ra thân đó, ai cần sự trợ giúp ra sao Ngài cũng tùy thuận theo mà giúp đỡ. Từ trước đến nay, Ngài chưa từng làm cho một người thất vọng, thế mà lúc nào Ngài cũng được tự tại, quả thật Ngài đã hoàn toàn buông xả và phóng hạ, không còn vướng mắc vào bất kỳ sự việc gì. Vì thế, trong kinh Kim Cang có dạy cho chúng ta hai câu: “Lìa tất cả tướng, tu tất cả điều thiện”. Xa lìa tất cả tướng đó là chính phóng hạ, buông xả. Ly khai tất cả tướng gì? Là lìa tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh và tướng thọ giả. Tướng ngã là chấp trước, tướng nhân, tướng chúng sinh là phân biệt, tướng thọ giả là vọng tưởng. Danh từ tuy không giống nhau nhưng chỉ là một. Phóng hạ thì có tự tại, sau đó là tu tất cả điều thiện, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Phàm làm việc gì có lợi ích cho chúng sinh, cho đại chúng và xã hội thì có tự tại. Trái lại, phàm làm việc gì mà có lợi ích cho tự kỷ bản thân đều là việc ác, đây là đạo lý nhất định bạn cần phải hiểu. 
Tiếp...
Chào khách | Hiện tại:
Wap đang được hoàn thiện...
Trình duyệt khuyến nghị: UCweb UCweb

Tổng cộng: 167 khách
TOP-RATING
Mail: admin@phathoc.wap.sh
PhatHoc.Wap.Sh - PL 2559