III -
MỚI TẬP TỪ BI
Muốn
phát âm từ bi, chúng ta phải tập cảm thông sự khổ
vui với mọi người. Thấy người khổ cảm như chúng ta
chịu khổ, nỗi khổ của người xem như nổi khổ của
chúng ta. Dùng mọi khả năng sẵn có dẹp khổ cho người
cũng như tiêu diệt khổ của chính bản thân mình.
Người hết khổ là chúng ta hết khổ, không cần đòi hỏi
nào, ngoài sự hết khổ của người. Đã xem cái khổ của
người như của mình, nên nhiệt tình sốt sắng cứu giúp
mà không điều kiện. Người khỏi khổ là mình an vui,
không có một hậu ý gì với người mình cứu giúp. Nếu
có hậu ý, chỉ mong đem lại cho họ sự an vui vĩnh cửu.
Thấy người vui cũng như mình được vui. Những cái vui
của mình đã sẵn sàng chia sớt với người, bằng cách
giải bày, bằng cách chia sẻ, bằng cách mong mỏi,
chia sớt với nhau cùng được vui chung thật là hạnh
phúc trên trần gian. Chỉ để một mình vui, ai sao mặc
kệ, là kẻ ích kỷ xấu xa, chính họ không bao giờ thấy
sự an vui chân thật. Chúng ta phải thấy cái vui của
mình là cái vui của mọi người, cái vui của người
chính là cái vui của mình. Cùng khổ cùng vui mới là
tình thương chan hòa tràn ngập. Chỉ biết cái khổ vui
riêng tư của mình là tự đóng khung trong một nhà
giam riêng biệt, kẻ ấy suốt đời không bao giờ biết
vui. Chúng ta trải lòng mình ra hòa nhịp với mọi con
tim, chứa chan tình thương không bến hạn. Bởi cảm
thông nhau trên nỗi khổ vui, chúng ta mới có nhiệt
tình tích cực cùng sớt khổ chia vui. Mọi bức tường
ngăn cách mỗi bản ngã con người, chúng ta mạnh dạn
đạp đổ cho sự cảm thông không bị giới hạn. Thông cảm
được sự khổ vui của mọi người, chúng ta bắt đầu phát
tâm từ bi. Vì thế, mới tập từ bi là tập cảm thông.
Tuy
nhiên lòng từ bi là không giới hạn, song mới tập từ
bi phải phát xuất từ gần lan dần ra xa. Chúng ta tập
cảm thông từ những người sống chung, thân thuộc với
chúng ta, dần dần đến những người xa lạ bên ngoài,
đó là trá hình từ bi, chớ chưa phải thực chất từ bi.
Chúng ta phải tập lòng từ bi cho có căn bản, sự kết
quả chắc chắn sẽ đúng như nguyện.
IV - ĐÃ
TẬP TỪ BI
Lòng từ
bi đã phát hiện nơi chúng ta, mọi sân hận tham lam
theo đó tiêu diệt. Người từ bi không thể nổi nóng
chửi đánh kẻ khác. Đã thấy sự đau khổ của người
chính là đau khổ của mình. Chỉ thấy kẻ khác với mình
không liên hệ nhau mới đành lòng làm họ khổ. Quả
thật cảm thông được nổi khổ đau của người, lòng sân
vừa dấy khởi liền tắt ngúm. Bởi nước từ bi tràn ngập
thì không có lý do lửa sân nổi dậy. Lửa sân cháy
hừng hực, chính là lúc nước từ bi đã khô cạn. Tự
người gặp cảnh khổ, người có lòng từ bi còn không nở
lấy mắt ngó, cần phải tìm đủ mọi cách để giải khổ
cho người. Nếu khả năng chúng ta không thể giải cứu
được, lòng vẫn xót xa đau đớn. Huống là, đích thân
mình làm khổ cho người, lòng từ bi không cho phép
dùng ngôn ngữ hành động làm khổ kẻ khác. Bao giờ
chúng ta thích làm khổ mình, chừng đó mới vui vẻ làm
khổ người. Gặp khổ chúng ta biết rầu buồn than thở,
nỡ nào làm khổ kẻ khác cho đành. Kết quả đầu của
lòng từ bi là diệt sạch sân hận của chính mình.
Người
từ bi đâu đành tranh giành hơn thua được mất với
người. Bởi kẻ được thì vui người mất phải khổ ,
giành giật nhau là làm khổ cho nhau. Lòng từ bi là
cứu khổ, vô lý lại đi làm khổ người. Tham lam là thu
góp, giành giật. Từ bi là ban bố cứu giúp. Mang lòng
từ bi là mọi hành động có tính cách tranh đua giành
giật không còn. Chính của mình còn đem ra ban bố cho
người, không thể có giành giật của người về cho mình.
Lòng từ bi với tham lam là 2 con sông chảy ngược. Có
cái này thì không thể có cái kia. Lòng từ bi đi đến
đâu thì đau khổ tan đến đấy, như ánh nắng soi đến
đâu thì băng tuyết đều tan. Từ bi không dung đau khổ,
dĩ nhiên từ bi không chứa chấp tham lam. Từ bi tràn
lấn tham lam phải rã rời.
Với mọi
lớp người trong mọi cảnh huống, chỉ một bề mang tình
thương chân thật đến với họ. Không một hành động
ngôn ngữ khiến cho họ phải phiền hà, thuần túy ban
vui cứu khổ. Hành động như thế là thuận hạnh từ bi.
Lòng từ bi này một bề thể hiện tình thương, chiều
theo sở nguyện của người. Làm trái ý người là khiến
họ đau khổ, thuận hạnh từ bi là không trái ý nguyện
của chúng sinh.
Song
tâm ý chúng sinh điên đảo, có cái khổ trá hình an
vui họ lại thèm thuồng ưa muốn, người sẵn lòng từ
bi, có khi cần đổi cái khổ nhỏ cho họ cái vui lớn,
vẫn phải làm. Hoặc những chúng sinh ngỗ nghịch mãi
tạo tội không chán người từ bi cần phải ngăn chặn
bằng cách trừng trị dữ dằn. Hiện tướng dữ để điều
phục đưa người về chỗ an vui, là nghịch hạnh từ bi.
Hạnh từ bi này vừa mới trông như kẻ ác, nhưng mãi
kia mới thấy rõ lòng từ. Người thể hiện hạnh từ bi
này phải sáng suốt, thật là làm một việc khó làm. Dù
thuận hay nghịch thì hạnh cũng là một nguồn ban vui
cứu khổ. Bản chất từ bi là nhẹ nhàng mát mẻ, nên mọi
chúng sinh bị nhiệt não gặp từ bi là đều được an
lành.