Hỏi: Khi con đi hành hương bằng cách ba bước một lạy, vậy những lạy đó con cũng có thể tính trong mười ngàn lạy không? (Chú thích: Hòa Thượng qui định là nếu ai qui y Ngài thì phải lạy cho đủ một vạn Phật)
Đáp: Qui y Tam Bảo là tôi dạy chú lạy mười ngàn lần, vậy mà chú còn muốn “bảy trì tám kéo”, “bù bên đông, đắp bên tây.” Đây đâu có phải là chuyện mặc cả trả giá, cũng không phải là chuyện làm ăn buôn bán gì. Nếu lạy không nổi tức là chú không đủ lòng thành, chớ không phải nói về chuyện giá cả chi hết.
Hỏi: Con không có cách nào ăn chay được, vậy con có thể trì chú Đại Bi không? Các vị Tỳ Kheo Nam Tông khi đi khất thực được món gì thì họ dùng món nấy để duy trì mạng sống. Vậy tại sao chúng ta nhất định phải ăn chay?
Đáp: Lúc quý vị đang ăn thịt và tưởng tượng như: nếu có người đang ăn thịt mình thì mình sẽ cảm nghĩ như thế nào? “Việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người.” Quý vị nên tự hỏi mình: “Rất nhiều người ăn chay được, tại sao mình ăn chay không nổi? Tại sao mình phải “đầu hàng” thịt?” Còn về việc ăn thịt thì có thể trì chú Đại Bi được hay không, thì trong kinh điển không có nói tỉ mỉ về vấn đề này.
Hỏi: Trong những bài Khai Thị, Sư Phụ bảo chúng con nên tu tập thiền định. Chúng con rất muốn học, nhưng Sư Phụ phải trở về Mỹ ngay. Vậy là chúng con đâu có cơ hội để học tập.
Đáp: Nếu quý vị có đủ lòng tin thì tôi có thể dạy dỗ các vị mỗi ngày, không những chỉ ở Đài Loan mà ở nước Mỹ tôi cũng có thể chỉ dạy quý vị vậy.
Hỏi: Cha mẹ con qua đời ở Đại Lục (Trung Quốc), nhưng con chưa có thể tới thăm mộ được. Con nghĩ rằng, nếu con lạy Phật ở Đài Loan, chắc cha mẹ con sẽ không có cách nào nhận được công đức hồi hướng của con, phải không?
Đáp: Nếu con thành tâm, thì dù cha mẹ con có xa cách bao nhiêu đi nữa cũng được cảm ứng đạo giao; còn nếu như con không thành tâm, thì mẹ con dù có ở ngay trước mặt con cũng không có cảm ứng gì.
Hỏi: Khi trì chú, niệm Phật thì nhất định là nên quán tưởng phải không?
Đáp: Nếu quý vị quán tưởng thì có thể bớt được một chút vọng tưởng. Không quán tưởng thì vọng tưởng nhiều thêm một chút.
Hỏi: Vùng San Francisco nước Mỹ đã xãy ra trận động đất lớn. Vậy trong tương lai, Đài Loan cũng sẽ bị tai nạn tương tự như thế, phải không? Chúng con làm sao để tránh khỏi đây?
Đáp: Nếu con người không nổi giận thì sẽ không có động đất.
Hỏi: Tại sao Ngài nói Đài Loan giống như là ở thời kỳ của Lâm An, Nam Tống lúc xưa?
Đáp: Thời Lâm An lúc bấy giờ, quân tướng không hòa hợp nên mới dẫn đến nạn quốc gia bị diệt vong. Hiện nay trong quốc gia nhỏ bé này có hai phe đảng tranh chấp, trên dưới cùng nhau thu lợi lộc. Đảng Dân Tấn và đảng Quốc Dân cùng nhau tranh chấp chuyện hay chuyện dở rồi đánh nhau rất là dã man. Như câu nói: “Trên có người háo chiến, dưới tất có kẻ hung bạo hơn.”
Hỏi: Cái gì gọi là nghiệp?
Đáp: Nghiệp là cái gánh nặng của con người, là gánh nặng của sanh mạng và của tinh thần. Nghiệp của mỗi người tạo ra thì thâu cất vào kho chứa riêng của mỗi người, tức là cất chứa trong thửa ruộng của thức thứ tám. Kho chứa này có sức thần thông, cho nên nghiệp nặng hay nghiệp nhẹ gì bỏ vào cũng đều được cả. Nó thì không lớn, không nhỏ, cũng không có gì là phân biệt.
Đấy đều là nghiệp của chính mình, không phải của người khác, nên không ai đánh cắp được, cũng không ai cướp đoạt hay lấy đi được.
Hỏi: Mỗi ngày con nên rốt ráo tu hành như thế nào mới có thể liễu sanh thoát tử được?
Đáp: Hãy tự để ý đến mỗi cử chỉ hành động của mình. Đi, đứng, nằm, ngồi chẳng rời “nhà” tức là tu hành vậy.
Hỏi: Là đệ tử Phật thì có thể ăn trứng không?
Đáp: Nếu quý vị thèm muốn ăn những thứ dinh dưỡng đó, thì cần gì phải hỏi tôi?
Hỏi: Tại sao người ăn chay không được ăn trứng?
Đáp: Không có gà trống, gà mái cũng có thể ấp trứng nở ra gà con như thường. Ngày xưa người ta không hiểu điều này nên họ nói là, nếu trứng không có trống thì không thể nở ra gà con. Nhưng lối nói này cũng không có gì làm chứng cớ. Tại sao người ăn trứng lại lý luận như thế? Tức là vì họ muốn ăn trứng đó mà. Bất luận trứng có trống hay không có trống, nó đều có thể sanh ra gà con, chớ không phải không thể sanh đâu. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói “Noãn duy tưởng sanh,” tức trứng do tưởng mà sanh ra.
Hỏi: Lúc ở bịnh viện Trường Canh, tỉnh Lâm Khẩu, con thấy Sư Phụ dùng gậy đánh trên đầu bệnh nhân ba cái. Xin hỏi như thế là có ý gì?
Đáp: Người đó có bịnh, tôi thấy không thuận mắt nên mới đánh nó đấy.
Hỏi: Căn gốc của tham sân si từ đâu đến? Phải chăng là do ác nghiệp từ kiếp trước, hay là vì hiện tại không biết tu hành?
Đáp: Cái gì cũng có. Nói tóm lại, nếu biết trừ bỏ hết thì tốt rồi. Chớ nếu con hỏi căn nguyên của nó, rồi cũng không chịu trừ bỏ nó, vậy thì chẳng có ích lợi gì đâu.
Hỏi: Có người tu hành đã lâu lắm rồi, nhưng không thấy có cảm ứng gì. Phải chăng, vì Phật pháp không linh, hoặc là vì Kinh, Chú không có lực cảm ứng đạo giao?
Đáp: Không phải đâu! Chính vì người đó không có lòng thành, không có trách nhiệm mà cứ lôi thôi, cẩu thả, làm qua loa cho xong việc. Giống như vì tùy hỉ theo mọi người mà làm, chớ nào phải thật tâm đâu.
Hỏi: Xin hỏi, đối với thần thông Sư Phụ có cách nhìn thế nào? Chính bản thân Ngài có không?
Đáp: Thần thông gì? Ngay cả quỷ thông tôi cũng không có, chớ đừng nói gì là thần thông. Tôi không nói thần thông mà là nói về trí huệ. Phàm hễ như con có linh cảm hoặc biết trước được chuyện gì... thì đó có thể nói là do tác dụng của trí huệ, chớ không phải là thần thông gì. Cái thần đó thì không thể nghĩ bàn. Nếu con nghiêm trì giữ gìn quy củ một cách đàng hoàng, thì thời gian lâu dần tự nhiên sẽ có trí huệ. Đối với việc tu hành, thì thần thông như là một thứ tài năng vô cùng nhỏ nhặt không ích lợi gì cả. Đừng nghĩ rằng có thần thông tức là có cái gì phi thường ghê lắm. Người tu hành chân chánh thì không chú trọng đến mấy thứ đó, nhưng cũng không bài xích nó. Đấy chỉ là một xu hướng tự nhiên mà thôi!
Hỏi: Sư Phụ từ bi thương xót, đệ tử bị bệnh đau nhức cả toàn thân. Con đã đi mỗ nhiều lần rồi mà cũng không bớt. Gia đình con thì tan nát. Cả đời con gặp trắc trở. Con cầu xin Sư Phụ khai thị chỉ dạy. Con cầu mong sẽ được ánh sáng mặt trời chiếu cố đến con. A Di Đà Phật!
Đáp: A Di Đà Phật! Con đã giết quá nhiều heo rồi, sao lại còn hỏi tôi?
Hỏi: Xin Sư Phụ giảng giải về tinh thần của Lão Hòa Thượng Hư Vân.
Đáp: Ngài không ngủ.
Hỏi: Bộ kinh nào thích hợp cho người mới tu tập để nhập môn?
Đáp: Bộ kinh nào cũng đều thích hợp cả!
Hỏi: Cư sĩ tại gia cũng có thể liễu sanh thoát tử phải không?
Đáp: Chú cũng có thể nhìn thấy những người tại gia đó mà. Nếu họ liễu sanh thoát tử được, thì chú không cần phải hỏi tôi; còn nếu họ không thể liễu sanh thoát tử thì chú cũng không cần phải hỏi tôi.
Hỏi: Phật giáo cùng Đạo giáo (Nhất Quán Đạo) có gì khác biệt?
Đáp: Phật giáo là Phật giáo, Đạo giáo là Đạo giáo, Nhất Quán Đạo tức là Nhất Quán Đạo. Danh từ không giống nhau tức đã có sự khác biệt rồi.
Hỏi: Phải chăng Phật giáo và Đạo giáo là cùng chung một nhà?
Đáp: Người Trung Quốc và người Mỹ có phải đều là con người không hả?
Hỏi: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo thì có gì phân biệt, tất cả có phải là giống nhau không?
Đáp: Một bên có trình độ đạo đức Tiểu học, một bên có trình độ đạo đức Trung học và một bên có trình độ đạo đức Đại học. Khóa trình đạo đức của Đại học là dạy chú quy y Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng và đừng quên Tam Bảo. Khóa Trung học là bảo chú tự quy y Tinh, Khí, Thần của chính mình và đừng để hao tán tinh, khí, thần. Lớp Sơ học là bảo chú cố gắng làm tròn Đạo Làm Người.