Hỏi: Làm thế nào để trẻ con khai mở trí huệ?
Đáp: Nếu con không ngu si thì sẽ sanh con có trí huệ.
Hỏi: Đệ tử ngu độn, ngẫm nghĩ không thấu suốt được bổn tâm mình. Trong lúc tọa thiền mà không để ý thì bị ngủ gục. Đối với hai vấn đề trên, con nên khắc phục như thế nào?
Đáp:
1) Đâu có chuyện dễ như vậy, mới tu có đôi ba ngày mà đã đòi thấu rõ được bổn tâm.
2) Ngủ mà không có vọng tưởng thì càng tốt.
Hỏi: Ban tòa án tư pháp nên cứu người như thế nào?
Đáp: Là phải “đại công vô tư”, không tham của đút lót, không nhận vật hối lộ, vì nhân dân mà phục vụ.
Hỏi: Thật là có số mạng không? Con người có khả năng điều khiển vận mạng số kiếp của họ được không?
Đáp: “Người Quân tử biết cách tạo mạng mình, Mạng do ta lập, phước tự mình cầu. Họa phước vô môn, bởi người tự chiêu Quả báo thiện ác như bóng theo hình.” Người quân tử có thể sáng tạo và thay đổi vận mạng của họ. Đa số người đời vì không hiểu, nên cứ nghĩ rằng, mọi sự đều do trời định. Nhưng nếu quý vị có lòng tin và nghị lực, thì trong một niệm là có thể từ chỗ phàm phu nhảy vọt lên quả vị Phật. Nếu như tất cả đều là định mạng, có số mạng nhất định, vậy khi chưa học Phật chúng ta có thể bói quẻ trước để xem mình có cơ hội thành Phật hay không? Số mạng gặp thiện và ác thì không phải là cố định. Nếu quý vị là người đại thiện hoặc là người đại ác, như quý vị đã làm những chuyện vượt qua khỏi phạm vi của người thường, thì vận mạng của quý vị cũng không giống với người thường.
Hỏi: Phật giáo nói - tất cả đều bình đẳng, vậy người và chó cũng nên bình đẳng mới phải? Tại sao có sự phân biệt giữa người và súc vật?
Đáp: Chú có thể kêu chó là “CHA” không?
Hỏi: Như có lúc nghe được một bài hát hoặc một khúc nhạc rất hay, chúng con có thể đem bài hát đó cúng dường Phật và Bồ Tát không? Chúng con nên cúng dường như thế nào?
Đáp: Thì cũng cứ hát đi, nhưng quý vị phải biết bản nhạc đó không có khuynh hướng dâm loạn hoặc có ý tà dâm, thì mới chánh đáng. Hiện ở Vạn Phật Thành chúng ta cũng có những bài hát Phật giáo và đều có thể dùng để cúng dường Phật. Thí dụ như khi chúng ta tán tụng trước đức Phật, thì đó cũng là dùng các bài ca để cúng dường Phật vậy. Trong Kinh Pháp Hoa cũng có nói rất rõ là các bài hát có âm nhạc, những bài chú tán tụng đều có thể cúng dường được hết.
Hỏi: Làm thế nào để ủng hộ Phật giáo?
Đáp: Để ủng hộ Phật giáo, quý vị nên lặng lẽ quán sát. Nếu là đạo thì nên tiến tới, còn không là đạo thì hãy thoái lui. Quý vị nên suy nghĩ cho chính chắn, vì có khi quý vị xuất tiền của là tạo công đức, có lúc xuất tiền của thì lại tạo tội. Người xuất gia không được có tiền của, một khi có tiền thì họ sẽ không giữ qui luật. Quý vị mà giúp họ, họ sẽ tha hồ ăn uống, điếm đàng, bài bạc. Được nhiều tiền thì họ sẽ hoàn tục. Nếu quý vị không giúp họ, thì họ còn tiếp tục tu hành. Nhất là khi chỉ có một người xuất gia sống đơn độc, thì chỉ cần có đủ ăn là được rồi.
Hỏi: Làm sao cho xã hội được an tường?
Đáp: Chúng ta nên bắt đầu từ sự giáo dục, dạy dỗ cho trẻ nhỏ biết hiếu thuận với cha mẹ và biết trung thành với quốc gia.
Hỏi: Đức Phật nói về sự ít dục vọng, xin Sư Phụ giảng rõ cho chúng con về điều này.
Đáp: Quý vị mà ít dục tức sẽ biết đủ, biết đủ thì thường vui, thường vui thì không ưu phiền!
Hỏi: Chúng con nghe nói là Hòa Thượng thường hay ngồi chớ không nằm. Nhưng không biết Hòa Thượng đã luyện tập như thế nào và vì mục đích gì?
Đáp: Sao không có ai nói tôi là “ít ngồi mà thường nằm” vậy? Việc này thì không nhất định, quý vị muốn ngồi thì ngồi, thích nằm thì nằm. Người ta nói quý vị ngồi thì cũng không sao, nói quý vị nằm thì cũng không hề hấn chi. Việc gì mà phải chấp nhất như vậy? Nếu chấp trước vào cái gì thì cái đó sẽ trở thành gánh nặng cho quý vị. Việc quan trọng nhất đối với người tu chúng ta là bất cứ lúc nào cũng không sanh phiền não. Ngồi cũng không có phiền não, nằm cũng không sanh phiền não. Điều quan trọng nhất là phải dứt bỏ phiền não đấy!
Hỏi: Tam tai, ba nạn (lửa, nước, bão) do đâu mà tới?
Đáp: Bởi vì con người có tâm tham thì sẽ phát sanh nạn hỏa tai, người có tâm sân sẽ phát sanh nạn thủy tai, người có tâm ngu si sẽ phát nạn phong tai. Cho nên, ba nạn, tam tai là do tam độc sanh ra.
Hỏi: Có phải Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong phạm vi suy nghĩ của Hòa Thượng?
Đáp: Ai bảo không phải?
Hỏi: Vừa đúng lúc tuần thứ ba của tháng sau sẽ là ngày sanh nhật của Sư Phụ. Vậy chúng con có thể làm lễ sanh nhật cho Sư Phụ được không?
Đáp: Quý vị có thể chúc mừng sanh nhật tôi bằng cách mỗi ngày thay tôi niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng và Bồ Tát Quán Thế Âm một vạn lần. Quý vị làm nổi không? Làm được vậy, đó mới thật là làm lễ sanh nhật cho tôi. Con người tính thì đâu có bằng trời tính!
Hỏi: Sao gọi là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (không nên để tâm chấp trước vào một nơi nào cả)?
Đáp: Tâm của chú đang ở đâu vậy? Chú nói cho tôi biết trước đi.
Hỏi: Có phải là sau khi tụng kinh thì nhất định phải hồi hướng?
Đáp: Hồi hướng là chấp tướng, không hồi hướng cũng là chấp tướng luôn. Phàm hễ có chỗ chấp thì không có tương ưng với Phật pháp.
Hỏi: Nhập định và ngủ có chỗ nào không giống nhau?
Đáp: Lúc nhập định thì trong tâm biết rõ hết. Thân ngồi đoan chánh ngay thẳng không dao dộng, đầu không gật xuống hay nghiêng qua một bên. Đó là cảnh giới tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch. Còn lúc ngủ thì cái gì cũng không biết, thậm chí còn ngáy như sấm và cả tư thế thì hoàn toàn trái ngược.
Hỏi: Kinh Pháp Hoa nói: Thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì liền được xa lìa tham, sân, si. Xin hỏi là niệm như thế nào mới có hiệu quả liền? (Câu này do một nhân viên hàng không Trung Hoa hỏi).
Đáp: Thì ngồi máy bay.
Hỏi:
1) Làm thế nào để phát khởi tâm tinh tấn dũng mãnh?
2) Làm sao để khắc phục tật ham ăn, tham ngủ?
(Do một chuyên viên làm nghề thẩm mỹ hỏi).
Đáp:
1) Thì là làm đẹp.
2) Không ăn cơm. Vì không ăn thì sẽ không ngủ. Ít ăn thì ít ngủ. Ăn nhiều thì ngủ nhiều.
Hỏi: Chúng con hiện làm ăn buôn bán, vậy Hòa Thượn nhận thấy tình hình chánh trị ở Đài Loan sẽ ra sao? Chúng con đến Đại Lục (Trung Quốc) đầu tư thì cảnh tượng sắp tới sẽ như thế nào?
Đáp: Các vị làm nghề buôn bán ở Đài Loan thì nên yêu nước, trung thành với quốc gia. Dùng cái trí tuệ làm ăn buôn bán của quý vị mà giúp đỡ nước nhà. Ở Đài Loan thì có rất nhiều người giàu tài sản, nhưng tìm không ra người ái quốc. Những người Đài Loan tới Đại Lục đầu tư không phải là vì yêu nước, mà chỉ muốn đầu cơ thủ lợi. Trong thời kỳ đặc biệt này, nếu tính chuyện làm ăn không vốn mà muốn thâu lời, đều rất nguy hiểm, có thể ra công sức nhưng rồi cũng mất hết.
Hỏi: Có một số gia đình, đời đời kiếp kiếp đều mang một chứng bệnh di truyền nào đó. Vậy chúng ta có thể giải thích sự việc đó bằng đạo lý nhân quả không?
Đáp: Là việc đương nhiên, vì di truyền tức là nhân quả. Nếu như kiếp trước họ đã không trồng nhân đó, thì làm sao đời đời lại bị truyền xuống quả báo giống nhau y hệt như vậy.
Hỏi: Thế nào gọi là “ngu si”?
Đáp: Ngu si là cứ tưởng mình không ngu si, đó mới chính là ngu si.
Hỏi: Xin hỏi Sư Phụ, chúng con nên làm sao mới có thể thoát khỏi nạn khổ, chết chóc và được sống vui vẻ với khoảng đời còn lại?
Đáp: Nếu quý vị không sanh phiền não thì tức là vui vẻ đấy. Khi quý vị không được vui vẻ là bởi vì tâm tham và không biết đủ.
Hỏi: Ý nghĩa của sanh mạng là ở đâu?
Đáp: Nếu chú cảm thấy sanh mạng không có ý nghĩa thì mau mau chết đi cho rồi. Còn chú cảm thấy sanh mạng có ý nghĩa, thì đó chính là ý nghĩa của nó. Ý nghĩa của mạng sống là ở chỗ đó đó.
Hỏi: Muốn chánh pháp tồn tại nên ủng hộ kinh Lăng Nghiêm, trì chú Lăng Nghiêm, vậy mỗi ngày con nên trì bao nhiêu biến?
Đáp: Con thích trì bao nhiêu thì trì bấy nhiêu.
Hỏi: Với tình thế hiện tại như vậy, chúng con nên làm sao đây?
Đáp: Nên có đức hạnh “không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.” Đó là những điều căn bản của đạo làm người, là cơ sở của sự tu hành, và là nền tảng của nền chánh trị.
Hỏi: Trong gia đình chỉ có một mình con là người học Phật, vậy con làm thế nào mới dẹp trừ hết các chướng ngại để cả gia đình trở thành Phật tử và khiến cho quyến thuộc đồng được hưởng lợi ích của các pháp?
Đáp: Con cứ làm việc với lòng thành, tự nhiên họ sẽ cảm nhận được mà chuyển hóa dần về đạo.
Hỏi: Tu như thế nào để: “Trong không trụ vọng niệm, ngoài không nhiễm sáu trần?”
Đáp: Là không kết hôn và xuất gia tu đạo.
Hỏi: Như các nghiệp cũ từ xa xưa, chúng con làm sao trừ bỏ được ác nghiệp và tích tụ thiện nghiệp để sớm thành Phật?
Đáp: Không làm điều ác, làm các việc lành.
Hỏi: Xin cho biết nguyện lực của Hòa Thượng là gì?
Đáp: Thông thường Phật giáo ở Trung Quốc đều là bảo thủ, nhưng tôi có ý nguyện đem kinh điển Phật giáo phiên dịch thành tiếng Anh. Tại sao đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành lại được phổ biến như vậy? Bởi vì họ phiên dịch Thánh Kinh thành ra các ngôn ngữ của các nước khác. Nếu đạo Phật cũng dịch các Kinh điển thành các thứ tiếng ngoại quốc thì Phật giáo cũng sẽ không thua kém gì đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành. Tại Vạn Phật Thánh Thành tôi hằng mong các tôn giáo sẽ dung hợp lại với nhau. Tôi có dự định là các tôn giáo khác đều có thể đến để làm lễ theo nghi thức của họ ở tất cả các đạo tràng do tôi thành lập. Tôi tin rằng, nếu tất cả hòa hợp bao gồm lại một cách dung hòa thì sẽ giảm bớt đi phần nào các thành kiến giữa các giáo phái với nhau.
Hỏi: Nếu như con muốn tụng kinh mà trong nhà con không có đặt bàn thờ Phật, vậy con phải nên làm sao?
Đáp: Muốn tụng Kinh thì trước là con nên học chữ, khi biết chữ rồi thì tự nhiên sẽ tụng Kinh được.
Hỏi: Xin hỏi chúng con phải hội đủ những tư cách nào mới có thể làm đệ tử của Ngài?
Đáp: Là phải tự sửa đổi mình.
Hỏi: Làm sao để bắt đầu học thuộc lòng và hiểu lý giải của ba bộ kinh: Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm và Pháp Hoa? Con nên bắt đầu từ bộ kinh nào trước?
Đáp: Bắt đầu từ bộ nào trước cũng được. Pháp là bình đẳng, không có cao thấp. Khi quý vị muốn chọn lựa một bộ kinh nào thì đó tức là đang khởi vọng tưởng. Quý vị vốn đã chẳng hiểu biết được các kinh điển này. Quý vị muốn học bộ kinh nào thì cứ học bộ kinh đó đi, vì đối với chuyện này thì không có trước sau gì cả.
Hỏi: Cả đời con khổ cực, nhưng tại sao con trai con lại không nghe lời, mà cũng không tôn trọng con?
Đáp: Tại vì chú đã quá vâng lời mà! Bởi kiếp trước chú đã không có quá khổ cực. Nhưng “thọ khổ là hết khổ, hưởng phước là tiêu phước.” Nếu biết chấp nhận là mình có nợ thì sẽ trả hết nợ. Nếu chú muốn gánh nợ chớ không muốn trả, thế thì chủ nợ sẽ đến nhà mỗi ngày để đòi nợ chú đó.
Hỏi: Có người nói, Hòa Thượng là người xuất gia mà sao lại can dự vào việc chánh trị?
Đáp: Tôi thấy Đài Loan đang trong tình thế nguy nàn, nhưng đa số mọi người vẫn còn chưa tỉnh ngộ. Tôi là người Trung Quốc, nên không thể không để ý đến chuyện này. Những lời tôi muốn nói, dù người có thế lực cũng không thể ngăn cản tôi được. Giống như lần này tôi nói rằng: “Hiện nay Đài Loan giống như Nam Tống.” Ví như, mọi người đều chỉ biết ngó xuống chân họ mà không biết xem những việc ngay trước mắt.