XtGem Forum catalog
↓ Cuối trang
Với người đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất kiêu căng.
Ủng hộ chương trình: Trái tim cho em. Soạn tin TTCE gửi 1408, mỗi tin nhắn 16,000 đồng, được chuyển tới Quỹ để hỗ trợ mổ tim nhân đạo cho trẻ em nghèo trên toàn quốc . Chi tiết: http://traitimchoem.vtv.vn
Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn
Tìm kiếm:
Wap học Phật trên mobile
Trang chủ > Sách - Truyện > Tam Quy Ngũ Giới - Tam quy ngũ giới - Trang 1
[< Danh mục] Trang: [2] - [3]
 
Tam quy ngũ giới
 
I. Tam quy
   Trong cuộc sống, hằng ngày mỗi buổi sáng khi thức dậy, chúng ta suy nghĩ làm sao có tiền, có tình, có địa vị, có thức ăn ngon, có ngủ nghỉ thỏa thích. Để được hưởng thụ những thứ đó, chúng ta phải tính toán, làm việc vất vả, thậm chí nhúng tay vào tội lỗi. Rồi một ngày nào đó theo định luật sinh, trụ, dị, diệt, chúng ta nhắm mắt tắt hơi, bỏ lại những thứ mình ham muốn, suốt đời khổ cực tìm cầu. Đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, ra đi cũng hai bàn tay trắng, chỉ còn nghiệp theo mình, đưa mình đến một trong sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A–tu–la, người và trời. Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta quanh quẩn mãi trong sáu đường này; mỗi lần sinh, mỗi lần tử là mỗi lần tạo nghiệp, dẫn đến quả báo đau khổ. Máu và nước mắt của chúng ta, nếu tích tụ lại nhiều như nước biển. Xương và thịt của chúng ta, nếu gom lại chất cao như núi. Vì sao chúng ta phải chịu đau khổ sinh tử trong sáu đường này? Vì vô minh. Như người đi trong đêm tối không biết phương hướng, cứ đi mãi vào con đường hiểm nạn, nên bị sụp hầm té hố. Nếu không có ánh đuốc soi đường, chúng ta sẽ mãi mãi đi vào con đường hiểm không có lối ra. Sáu nẻo luân hồi là những con đường hiểm nạn. Tam bảo là ngọn đuốc soi đường, hướng dẫn chúng ta ra khỏi đường hiểm đến chỗ an vui giải thoát.
   Phật là bậc đã giác ngộ, giải thoát khỏi sáu đường, Ngài chỉ cho chúng ta lối ra. Pháp là ngọn đuốc sáng soi đường. Tăng là những vị thầy hướng dẫn chúng ta đi đúng đường. Cho nên, chúng ta cần phải quy y Tam bảo để cứu mình ra khỏi đường hiểm khổ đau, đến chỗ an vui giải thoát.
   1. Tam quy  là gì?  
   Tam quy nói cho đủ là quy y Tam bảo.
   Quy y: Quy là trở về, quay đầu. Y là nương tựa. Quy y là trở về nương tựa.
   Tam bảo: Tam là ba, bảo là báu. Tam bảo là ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng.
   Quy y Tam bảo là chúng ta quay về nương tựa vào Phật, Pháp và Tăng. Như người con vì si mê đã bỏ cha mẹ đi hoang, bị cuộc đời vùi dập, chịu biết bao đau khổ, đói rách; nay quay về nương tựa cha mẹ để được che chở, thương yêu và hạnh phúc. Như người lái xe đi lầm đường, quay đầu trở lại đi đúng đường. Như người bị đắm thuyền, trôi dạt trên biển cả, bỗng gặp chiếc thuyền khác đến cứu mạng. Sắp chết chìm trong lòng đại dương được thuyền đến cứu vớt, được sống yên ổn trên thuyền, được đưa vào bờ an toàn sinh mạng thì còn niềm vui nào lớn hơn.
   2. Tại sao Phật, Pháp, Tăng quý báu? 
   a. Phật có những đặc điểm:
   - Nhận thức nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết của con người, từ bỏ cung vàng điện ngọc, dứt bỏ hưởng thụ ngũ dục, chẳng ham vương vị quyền thế, vào rừng tu hành khổ hạnh, tìm cầu chân lý để cứu độ chúng sinh.
   - Chứng được Tam minh: Thiên nhãn minh, Túc mạng minh và Lậu tận minh. Thiên nhãn minh là có thể nhìn thấu suốt ba cõi sáu đường, thấy biết rõ thật tướng của vũ trụ, nhân sinh. Túc mạng minh là biết được quá khứ của mình và của tất cả chúng sinh từ một kiếp đến vô lượng kiếp về trước. Lậu tận
minh là dứt sạch tất cả mọi phiền não cấu uế.
   - Luôn tỉnh giác, làm chủ ba nghiệp. Thân, khẩu, ý trong sạch không có tỳ vết. Thân tướng trang nghiêm với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.
   - Đầy đủ phước đức, trí tuệ. Có khả năng hướng dẫn chúng sinh ra khỏi biển khổ sinh tử, đạt đến giác ngộ, giải thoát rốt ráo.
   - Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
   b. Pháp có những đặc điểm:
   - Pháp là lời dạy của Phật, là chân lý.
   - Pháp giúp ta thấy được nhân quả nghiệp báo và nguyên nhân của sinh tử luân hồi.
   - Pháp là con đường đưa người đến chỗ an vui, hạnh phúc và giải thoát khỏi ba cõi sáu đường.
   - Pháp là những phương pháp giúp ta chuyển hóa si mê thành trí tuệ, đau khổ thành hạnh phúc, phiền não thành Bồ đề, chúng sinh thành Phật.
   c. Tăng có những đặc điểm:
   - Là một đoàn thể sống hòa hợp thanh tịnh (lục hòa).
   - Cắt ái ly gia, từ bỏ đời sống hưởng thụ ngũ dục, xuất gia tu học, sống đời phạm hạnh.
   - Là người giữ gìn giới luật của Phật. Là mô phạm cho chúng sinh noi gương học tập.
   - Xem tất cả mọi người là thân bằng quyến thuộc.
   - Sống trọn đời vì lý tưởng phục vụ chúng sinh, hoằng truyền Phật pháp, hướng dẫn mọi người tu học.
   Tóm lại, Phật được gọi là Lưỡng Túc Tôn vì đầy đủ phước huệ. Pháp được gọi là Ly Dục Tôn vì có thể khiến cho hết thảy chúng sinh thoát ly dục lạc. Tăng được xưng là chúng trung tôn vì làm bậc thầy, là khuôn mẫu cho chúng sinh noi theo, bậc tôn quý trong đại chúng. Công đức của Phật, Pháp, Tăng rất nhiều, chúng ta chỉ nêu một vài đặc điểm để dẫn chứng, đủ chứng minh Phật, Pháp, Tăng là quý báu. Ở thế gian này, vàng bạc, ngọc ngà, châu báu tuy quý, nhưng chỉ giúp chúng ta được an vui hạnh phúc tạm thời, không thể giúp chúng ta thoát khỏi sinh tử luân hồi, đau khổ trong sáu đường. Phật, Pháp, Tăng có đủ năng lực hướng dẫn chúng ta ra khỏi sinh tử luân hồi, đến chỗ an vui giải thoát rốt ráo. Cho nên, Tam bảo là quý báu, chúng ta cần phải nương tựa.
   3. Tam bảo có ba bậc:
   Có ba bậc Tam bảo chúng ta cần phải biết
   a. Thế gian trụ trì Tam bảo: Là Phật, Pháp, Tăng tại thế gian.
   * Phật tại thế gian: Là hình tượng Phật mà chúng ta tôn thờ.
   * Pháp tại thế gian: Là tam tạng kinh, luật, luận ghi chép trên giấy hoặc băng đĩa hình.
   * Tăng tại thế gian: Là những vị xuất gia tu học Phật pháp, sống đời phạm hạnh.
b. Xuất thế gian Tam bảo: Là Phật, Pháp, Tăng ra khỏi thế gian.
   * Phật xuất thế gian: Là đức Phật Thích Ca Mâu Ni và chư Phật đã vượt ra khỏi Tam giới, chứng quả Vô sinh bất diệt. 
   * Pháp xuất thế gian: Là giáo pháp của Phật như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ vạn hạnh v.v… có khả năng chuyển phàm thành Thánh, chúng sinh thành Phật.
   * Tăng xuất thế gian: Là những vị Tăng đã chứng quả A–la–hán, vượt ra khỏi thế gian, như các ngài Ca Diếp, Xá Lợi Phất, A–nan  v.v…
   c. Đồng thể Tam bảo: Là chúng sinh cùng thể tánh với Phật.
   * Đồng thể Phật bảo:
Phật là bậc giác ngộ, có đầy đủ trí tuệ, Tam minh Lục thông. Chúng sinh cũng có đầy đủ trí tuệ và khả năng thành Phật như Phật.
   * Đồng thể Pháp bảo: Phật là bậc có đầy đủ đức tính từ bi, nhẫn nhục, tinh tấn… chúng sinh cũng có đầy đủ những đức tính ấy.
   * Đồng thể Tăng bảo: Phật có đầy đủ đức tính thanh tịnh, hòa hợp. Chúng sinh cũng có đầy đủ đức tính ấy.
   4. Sự Lý quy y Tam bảo: 
   Quy y Tam bảo có Sự và Lý. Sự là hình thức, Lý là nội dung. Nhờ có Tam bảo bên ngoài, chúng ta mới biết Tam bảo bên trong. Nhờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni chúng ta mới ngộ được Phật tính trong mình. Nhờ kinh, luật, luận chúng ta mới biết pháp chân chính trong mình. Nhờ chư Tăng chỉ dẫn chúng ta mới thấy được vị thầy thanh tịnh trong mình. Muốn ngộ Phật tính, trọn đời chúng ta phải tuân theo đức Phật. Muốn chứng pháp chân chính, trọn đời chúng ta phải học kinh, luật, luận. Muốn thấy tự tính thanh tịnh, trọn đời chúng ta phải nương theo sự hướng dẫn của chư Tăng. Chúng ta phải thể hiện đầy đủ Sự Lý quy y Tam bảo thì việc tu học mới có lợi ích thiết thực.
   * Sự quy y Phật: Đức Phật là người đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vượt khỏi Tam giới, tự tại giải thoát. Chúng ta là những người còn chìm đắm trong bể khổ sinh tử luân hồi sáu nẻo, cần phải nương nhờ vào chiếc thuyền để qua khỏi biển khổ. Người có đủ khả năng để đưa chúng ta đến bờ an vui giải thoát là đức Phật. Do vậy, chúng ta phải quy y Phật. Muốn trở thành người Phật tử, chúng ta phải quy y Tam bảo, phải đối trước hình tượng đức Phật để phát nguyện trọn đời nương tựa, phải tự mình dự lễ quy y và phát nguyện trước Tam bảo. Có những người quy y Tam bảo bằng cách nhờ người nhà quy y dùm là sai nguyên tắc. Trừ trường hợp người muốn quy y bị bại liệt, bệnh nặng hoặc già yếu không thể đến đàn quy y được. Chúng ta có thể phương tiện bằng cách thu hình hoặc thu âm buổi lễ quy y đem về mở cho họ xem, nghe và yêu cầu họ phát nguyện như trong đĩa ghi âm, ghi hình. Có như vậy, người già, bệnh đó mới thật sự hiểu biết ý nghĩa quy y Tam bảo và mới có lợi ích. (Hiện chùa Hoằng Pháp có thực hiện đĩa VCD, DVD lễ quy y Tam bảo, quý vị nên tìm xem).
   Trường hợp có những em còn nhỏ tuổi, chưa nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của quy y Tam bảo, cha mẹ vì muốn các em gieo duyên với Phật pháp nên đã đưa đến chùa dự lễ quy y. Khi lớn lên các em không có ấn tượng về buổi lễ quy y và cũng không biết những lời nguyện, những giới điều đã thọ nên giảm đi sự lợi ích của việc quy y Tam bảo. Trường hợp này cha mẹ phải có trách nhiệm hướng dẫn con cháu của mình hiểu biết Phật pháp. Mỗi năm một lần nên đưa các em đến đàn quy thính giới, để ôn lại những giới điều đã thọ. Tốt hơn hết nên để các em đủ hiểu biết hãy khuyến khích quy y Tam bảo.
   * Lý quy y Phật: Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Hết thảy chúng sinh vốn sẵn đủ đức tướng, trí tuệ của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng thì nhất thiết trí, tự nhiên trí, vô ngại trí đều sẽ hiện tiền”. Đức Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Mỗi người đều có đầy đủ Phật tính, đều có khả năng thành Phật. Như mặt trăng luôn tỏa sáng, vì mây che khuất nên tối tăm, chỉ cần gió thổi tan mây mù thì ánh sáng hiện ra. Như viên ngọc bị bụi đất bám vào, chúng ta chịu khó lau chùi, mài dũa thì viên ngọc sẽ hiển lộ.
   Tự quy y Phật là quay trở về bản tính giác ngộ, cảnh giới tuyệt đối của tâm linh. Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta bị vô minh che lấp Phật tính, gây tạo biết bao nghiệp chướng để phải trả quả, trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử. Ngày nay, chúng ta quay trở lại xem xét chính mình, hằng tỉnh thức, làm chủ thân khẩu ý, ba nghiệp thanh tịnh, dứt sạch các lậu hoặc thì mình chính là Phật, không phải tìm Phật đâu xa.
Chào khách | Hiện tại:
Wap đang được hoàn thiện...
Trình duyệt khuyến nghị: UCweb UCweb

Tổng cộng: 140 khách
TOP-RATING
Mail: admin@phathoc.wap.sh
PhatHoc.Wap.Sh - PL 2559