Diệu Ngọc cố dùng lời lẽ can ngăn:
- Sư cô bảo mỗi người có tính cách, tâm nguyện hạnh nguyện khác nhau. Huynh còn nhỏ có ham vui một chút, Sư cô cũng đâu có quở trách gì... Hay vì… Cô Diệu ngập ngừng… Vì ngày đó tui trốn nhà đi tu nên huynh…
Diệu Phương lắc đầu:- Huynh lại nói lung tung nữa rồi. Chẳng tại bị ai cả. Chỉ là căn duyên tui chưa đủ, vậy thôi. Chị em mình mỗi người chọn một con đường. Tui về nhà với má, huynh mới yên tâm tu. Như vậy chẳng là tốt hơn sao.
- Huynh về nhà, má sẽ buồn…
- Không thích tu thì về nhà. Chuyện bình thường mà. Má chẳng buồn đâu. Thôi chúc huynh ở lại mạnh khỏe, tinh tấn tu hành. Ngày sau có duyên mình sẽ cùng gặp lại trên một con đường.
Phật ơi! Diệu Ngọc kêu thầm. Chuyện như vậy mà huynh ấy cho là bình thường, lại còn lý sự lý lẽ nữa chứ. Diệu Ngọc đứng lặng dõi theo người em song sinh, lòng bối rối, nước mắt chực tuôn trào. Cô Diệu không thể tưởng tượng được một người đã xuất gia rồi hoàn tục về nhà sẽ như thế nào. Có điều… Diệu Phương làm gì thường hay nghĩ đến người khác. Bản chất mà cô bé được thừa hưởng trọn vẹn từ mẹ.
* * *
- Đó là câu chuyện xuất gia rồi hoàn tục của bé Ba hồi mười mấy năm về trước. Và bây giờ đến câu chuyện xuất gia lần thứ hai…
Bà Hai trầm giọng, đôi mắt nheo lại như cố nhớ hết những gì sau chuyến đi xa vừa trở về. Mấy cô điệu ngồi yên lặng chờ đợi. Điệu Bảo nắm lấy bàn tay gầy guộc của bà khẽ hỏi:- Hồi đó cô bé Ba trở về, bà Hai có la dzầy gì không?
- La dzầy gì. Thấy cổ về tui gạn hỏi:- Sau cô về vậy. Ở chùa có chuyện gì hay chị em lại gây gổ cải vã ?
Bé Ba lắc đầu:- Không có gì hết má à. Con không thích tu nữa thì về nhà ở với má, vậy thôi.
Lúc ấy bà ngoại mới mất. Vườn ruộng tan hoang sau đợt lũ. Tui đang rầu, thấy con về thì mừng, nhà cửa đỡ hiu quạnh nên chẳng hỏi gì thêm. Bé Ba về nhà để tóc rồi đi học. Sư cô cũng không quở trách gì. Tui thì… tui biết tánh nó ham vui. Cái gì thích thì làm cho bằng được. Mau thích rồi mau chán. Đã chán thì bỏ ngang. Biết tánh nết con nên tui không bất ngờ lắm. Về nhà được mấy năm, nó lên phố học rồi đi làm, tui lại thui thủi một mình. Lúc này Sư ở chùa đã tịch. Diệu Ngọc cũng xong các khóa học trường đời trường đạo, nay là một Sư cô, giới pháp đầy đủ. Sư cô Ngọc về nhà nói với tui:
- Má lên chùa ở nghe kinh niệm Phật cho có phước, chứ ở nhà một mình thật con không yên tâm. Suốt ngày má cứ lo làm lụng chẳng biết để lại cho ai… một mai vô thường đến thì nhà cửa đất đai có mang theo được đâu.
Tui nghe lời sư cô về chùa. Lâu nay tui cũng có ý định, còn nấn ná là để chờ ngày bé Ba xuất giá. Đã không xuất gia thì phải xuất giá thôi. Nhưng chờ mãi, chờ mãi, đã bước qua tuổi hăm rồi mà chẳng thấy con bé đá động gì đến chuyện chồng con. Tôi sốt ruột hỏi thì nó cười:- Má yên tâm đi. Con đang chờ duyên…
- Hừ! Chờ duyên. Con gái… quá lứa quá thì còn ai đón ai đưa nữa mà chờ với đợi.
Bé Ba cười ngất:- Má ơi! Má cứ lo bò trắng răng không hà. Không duyên thì nhẹ nghiệp. Chừng nữa về già con xin vào chùa làm công quả kiếm chút phước. Chùa của sư Ngọc đó…
Nói vậy, chứ bà hiểu tánh ý con. Cái tánh ý ưa thích tự do ấy thì chẳng ai có thể xoay chuyển được, ngay cả người Thủ trưởng của nó ở nhiệm sở. Nhiều lần bà đi thăm con chỉ để nghe người ta than phiền:
- Tụi con mà không vị tình, không vì thiện ý mà cô Ba đang làm… chắc cho cô thôi việc từ lâu rồi. Bác nghĩ coi. Đang làm việc ở cơ quan, nghe bạn bè rủ ren đi cứu trợ, làm từ thiện là cô bỏ đi liền. Mà đi tới những vùng sâu vùng xa đến mấy ngày mới về. Cuối tuần ngày nghỉ, cô không đi nghe pháp tu thiền ở các thiền viện xa xôi thì về các làng quê phát quà dạy giáo lý cho các em nhỏ. Cứ đi suốt vậy…
Nghe mẹ kể lại, cô Ba cười xòa. Rồi tiếp tục lao vào các chuyến đi từ thiện bất kể thời gian. Vậy mà đùng một cái, cô thông báo là sẽ xuất gia tu học. Ai nghe cũng ngỡ ngàng chưng hững. Bà Hai vui thì vui mà vẫn cứ lo. Bởi đâu ai hiểu con bằng mẹ.
Sư Ngọc bảo: - Con biết cuối cùng bé Ba sẽ chọn cho mình một con đường. Pháp tu thiền phù hợp với tính cách của cô ấy. Má đừng lo. Chư Tổ Sư từng nói: “ Tu nhất kiếp, ngộ nhất thời” Sự tu chứng đâu nhứt thiết dựa vào thời gian tuổi tác.
… Lần đầu tiên bà Hai được đi xa. Miền cao nguyên tràn ngập không khí mát lành và cảnh vật lạ mắt làm bà không ngớt xuýt xoa. Bà đã sống qua mấy ngày thanh thản trong ngôi chùa lớn nằm trên ngọn đồi cao có hoa nở bạt ngàn, có thông reo suối chảy. Ngôi chùa lớn nằm giữa khuôn viên mênh mông mà mọi người gọi là Thiền viện. Một thiền viện Ni. Ở đó bà được nghe pháp, cùng mọi người thiền hành và hơn hết là bà được tham dự một buổi lễ xuất gia thật đặc biệt.
Lễ xuất gia tổ chức theo nghi thức thiền viện trang nghiêm mà đơn giản. Sư Ngọc nói với bà như vậy. Bà thì thấy buổi lễ lớn hơn hết những cuộc lễ xuất gia bà biết ở quê nhà. Mà đâu phải chỉ một mình Bé Ba. Có đến gần hai mươi vị cùng xuất gia một lần với đủ mọi lứa tuổi. Vậy mà trông ai cũng tươi tắn rạng rỡ trong màu áo nâu sồng đạo vị. Có mấy cô diệu nhỏ xíu cũng cạo hết tóc chứ không để chỏm như điệu Bảo. Không như lần trước bà đã khóc trong ngày xuất gia của hai chị em. Lúc này lòng bà thanh thản đến lạ. Suốt mấy ngày liền nghe pháp tụng kinh hành thiền, vậy mà bà vẫn thấy người khỏe mạnh an lạc như được uống nước cam lồ pháp vị vậy.
Bà Hai hắng giọng nói tiếp:- Sau lễ xuất gia, Bé Ba bây giờ là cô Diệu đến gặp tui, miệng chúm chím cười:
- Má thấy ở đây tu có vui không?
- Ờ… Vui. Phong cảnh tuyệt đẹp, không khí trong lành. Quý cô tu ai cũng hòa nhã dễ thương. Uả, mà cô tu vì ham vui à…?
Cô Diệu hóm hỉnh:- Tu cũng phải vui mới tu được chứ má. Vui trong thiền vị mà không ra ngoài quy củ thiền môn. Nhưng má đừng nghĩ là con ham vui nhất thời đâu nhé. Phải nói là căn duyên của con đã đến hồi thuần thục mới gặp được thiện tri thức, gặp thầy lành bạn tốt…
Bà Hai lại yên lặng, đôi mắt lim dim, vẻ mặt rạng rở mãn nguyện. Điệu Bảo ngước nhìn bà, chợt nhớ một lần mình về thăm nhà, bà ngoại cũng hỏi:
- Đi tu có vui không điệu ?
- Dạ! vui lắm. Vui nhất là… được Phật tử đến chùa chắp tay xá chào. Mấy cô Phật tử lớn tuổi thấy mấy điệu nhỏ thì thương… nên cứ hay xoa đầu và cho bánh kẹo.
Niềm vui của tuổi thơ dĩ nhiên là khác hẳn người lớn rồi. Người lớn vui trong ánh đạo. Trẻ thơ vui vì cảm thấy mình… thoáng chốc trở thành những thiên thần áo lam nơi cửa Phật./.