XtGem Forum catalog
↓ Cuối trang
Việc làm đừng mong dễ thành, vì dễ thành thì lòng khinh thường kiêu ngạo.
Ủng hộ chương trình: Trái tim cho em. Soạn tin TTCE gửi 1408, mỗi tin nhắn 16,000 đồng, được chuyển tới Quỹ để hỗ trợ mổ tim nhân đạo cho trẻ em nghèo trên toàn quốc . Chi tiết: http://traitimchoem.vtv.vn
Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn
Tìm kiếm:
Wap học Phật trên mobile
Ngu si sinh tử
 
   Hiểu đơn giản, ngu si nghĩa là mê mờ, là không sáng, đồng nghĩa với vô minh. Vô minh là không sáng. Sinh tử là sống chết, sống chết ở đây chỉ cho sự sống chết luân hồi trong Lục đạo. Tại sao ngu si lại bị sinh tử? Vì ngu si nên mới điên đảo vọng tưởng. Vọng tưởng nghĩa là suy nghĩ sai lầm, điên đảo là lộn ngược. Điên đảo vọng tưởng là suy nghĩ sai lầm lộn ngược. Thế nào là suy nghĩ sai lầm lộn ngược? Như thế gian là vô thường chúng ta cho là thường, thân người vô ngã chúng ta cho là ngã. Nhân sinh là khổ chúng ta cho là vui. Suy nghĩ đó là sai lầm lộn ngược, nên gọi là điên đảo vọng tưởng.

   Thứ nhất, thế gian vô thường chúng ta cho là thường. Trong kinh Kim Cang nói rất rõ về thực tướng vô thường của các pháp qua bài kệ:
"Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán."
    Nghĩa là: “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng, như sương cũng như điện, nên khởi quán như thế”. Câu kệ này nói rất rõ các pháp thế gian là vô thường giả tạm. Tất cả pháp hữu vi như mộng. Thế gian chúng ta đang sống đây chẳng qua là một giấc mộng.

   Có câu chuyện rất hay: ngày xưa có anh chàng họ Lữ đi thi. Như quý vị cũng biết thời nay chúng ta có phương tiện xe máy đi lại rất dễ dàng, ngày xưa có xe đâu mà đi. Những người ở miền quê lên tỉnh thi là cả một sự khó khăn. Những người gia đình khá thì có ngựa đi, còn gia đình nghèo thì phải quảy gói, gánh gạo đi bộ đến trường thi. Có người đi xa hàng trăm cây số hoặc vài trăm cây số mới đến trường thi. Anh chàng họ Lữ này cất công đi thi nhưng không đậu. Trên đường trở về vừa buồn, vừa đói, may mắn gặp được một ngôi chùa ở ven rừng. Anh mừng quá ghé vào xin cơm để ăn. Vị Sư ở trong chùa rất thương anh, nhưng gạo đã hết nên lấy kê ra nấu cho anh ăn đỡ đói. Trong lúc chờ nhà Sư nấu kê, mệt quá anh mới thiếp đi. Anh ngủ một giấc thật ngon và chiêm bao thấy mình thi đậu, được làm quan, được vua cho làm phò mã và gả công chúa. Được làm quan, được lấy vợ, được hưởng cuộc đời thật hạnh phúc sung sướng.
 
   Một hôm, vua cử anh đến trấn nhậm một tỉnh xa, bây giờ có thể gọi là đi nhận chức tỉnh trưởng vậy. Vợ chồng cùng đi với một đoàn quân hộ tống. Trên đường đi ngang qua cánh rừng, vợ chồng bị quân giặc tấn công. Do số lượng quân giặc quá đông, đoàn hộ tống không cự nổi cho nên bị giết chết hết. Rồi chúng bắt vợ chồng anh họ Lữ và kề gươm lên cổ, anh chàng họ Lữ này sợ quá la lên, giật mình thức giấc. Lúc tỉnh dậy nồi kê vẫn nấu chưa chín. Như vậy anh chàng họ Lữ nằm mơ chỉ khoảng 2 hay 30 phút thôi thế mà có cảm tưởng như đã sống hơn nửa đời người, nào là: thi đậu, làm quan, làm phò mã, lấy công chúa, hưởng hạnh phúc sung sướng, rồi bị giặc bắt… trải qua thời gian lâu như vậy mà lúc giật mình tỉnh giấc nồi kê chưa chín.

   Cuộc sống của chúng ta cũng không khác gì anh chàng họ Lữ. Một trăm năm chẳng có là bao, đến khi nhắm mắt chỉ thấy sống trong mộng. Cho nên, Nguyễn Công Trứ có lẽ cũng cảm nhận được chuyện này nên đã làm mấy câu:
"Ôi nhân sinh là thế!
Như bóng đèn, như mây nổi,
Như gió thổi, như chiêm bao.
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào
Chợt tỉnh giấc nồi kê chưa chín."
 
   Ông thí dụ cuộc sống này như bóng đèn. Quý vị biết bóng đèn rất mong manh dễ vỡ. “Như bóng đèn, như mây nổi”. Chúng ta nhìn lên trời thấy những đám mây lơ lửng, hợp đó rồi tan đó rất mau. “Như gió thổi”. Gió thổi thì rất nhanh, thổi qua một luồng là mất. “Như chiêm bao”. Chiêm bao là giả, là không thật. Cho nên, chúng ta ở cuộc đời này, tuy sống có chồng vợ, cha mẹ, anh em, con cháu nhưng tất cả chỉ là mộng, là giả tạm. 
 Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt
   Phu thê nghĩa trọng dã phân ly
   Nhân tình tợ điểu đồng lâm túc.
   Đại hạn lai thời các tự phi.

   “Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt” nghĩa là con cái đối với cha mẹ có ơn rất sâu nặng, nhưng rốt cuộc cũng phải biệt ly. “Phu thê nghĩa trọng dã phân ly”, vợ chồng chung sống với nhau tình nghĩa mặn nồng suốt cả một đời rồi cũng phải chia tay. “Nhân tình tợ điểu đồng lâm túc”, nghĩa là tình người cũng giống như chim ngủ chung nhau một cánh rừng. “Đại hạn lai thời các tự phi”, đến khi có sự cố gì xảy ra thì mạnh con nào con nấy bay đi, không con nào kéo theo con nào được. Chúng ta cũng vậy. Lúc sống có cha mẹ, chồng vợ, anh em, con cháu, đến khi nhắm mắt thì đường ai nấy đi.
Không mời tự đến, không đuổi tự đi.
Đến như thế nào, đi như thế đó.
Đến đi như gió, hợp tan như mây.
Gió mây vô thường, vấn vương chi khổ.

   Chúng ta sinh ra trên đời này không ai mời mà tự đến, cũng không ai đuổi mà tự đi, đến như thế nào đi như thế đó. Sự có mặt của chúng ta trên cuộc đời này như gió thoảng, mây bay, vốn vô thường, giả tạm.

   Biết như vậy thì sự đến và đi không có gì phải bận tâm, phải đau khổ. Cho nên, câu: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”. Chữ “huyễn” có nghĩa là giả. Như chúng ta nhìn thấy hình người bằng rơm đứng ngoài ruộng để đuổi chim, người đó gọi là người gì? Là người nộm, không phải người thật. Thân của chúng ta cũng vậy, chỉ là giả có mà thôi. Còn chữ “bào” có nghĩa là bọt, là bong bóng nước. Khi trời mưa, chúng ta thấy có những bong bóng nổi trên mặt nước, hoặc khi sóng đánh vào bờ sủi lên những bọt. Cuộc sống chúng ta cũng mong manh như bọt, rất dễ tan vỡ. Chữ “ảnh” có nghĩa là bóng. Như chúng ta nhìn thấy bóng mình trong gương, hoặc nhìn thấy mặt trăng ở dưới đáy hồ, mặt trăng đó thật hay giả? Chỉ là giả thôi, còn mặt trăng thật ở trên trời, trăng dưới nước chỉ là cái bóng. Hoặc khi chúng ta đi trong sa mạc, nhìn xa xa phía trước thấy có nước, nhưng đi mãi mà không thấy nước ở đâu. Vậy đó là cái gì? Đó chỉ là cái bóng nắng chứ không phải là nước.

   Câu kế tiếp là: “Như lộ diệc như điện”. Chữ “lộ” nghĩa là hạt sương. Buổi sáng chúng ta nhìn thấy những hạt sương đọng trên ngọn cỏ, khi mặt trời vừa lên thì nó óng ánh rất đẹp, nhưng nắng một chút là nó tan biến mất. Chữ “điện” có nghĩa là chớp. Khi trời mưa chúng ta thấy có những tia chớp lóe lên rồi tắt, đó gọi là điện. Như vậy, câu kinh này nói rất rõ tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng, như hạt sương, như điện chớp rất mong manh, vô thường, giả tạm. Chúng ta không thấy được sự vô thường giả tạm này, lại chấp cho là thường rồi mình bám víu tham đắm tạo nghiệp, phải chịu quả báo luân hồi sinh tử ở sáu đường. Đó là chúng tôi nói về thế gian vô thường, mà chúng ta chấp là thường nên gọi là điên đảo vọng tưởng.

   Thứ hai, thân người vô ngã chúng ta chấp là ngã, cũng là điên đảo vọng tưởng. Đức Phật nói thân chúng ta do Tứ đại hợp lại mà thành. Tứ đại là đất, nước, gió, lửa. Như da thịt xương của chúng ta là gì? Là đất. Máu huyết của chúng ta là gì? Là nước. Hơi thở là gì? Là gió. Hơi nóng là gì? Là lửa. Như vậy, thân Tứ đại này sống được là nhờ Tứ đại bên ngoài đưa vào. Nếu không có Tứ đại bên ngoài tiếp vào thì thân thể cũng không sống được. Thí dụ thiếu đất thì mình lấy đất cho vào. Cho được không quý vị? Chắc chắn là không rồi. Ăn đất người ta sẽ đưa mình vào nhà thương điên. Chúng ta không thể cho đất trực tiếp mà chúng ta cho bằng cách gián tiếp. Chẳng hạn như chúng ta đói thì ăn cơm, mà ăn cơm là ăn gì? Cũng là ăn đất chứ có gì khác đâu, nhưng đất này được hấp thụ chuyển hóa thành ra hạt lúa. Không tin quý vị thử tìm hiểu xem có đúng không? Chúng ta bỏ hạt lúa xuống đất, rồi nhờ đất, nước, gió… nó lên cây, ra bông, ra hạt rồi đem nấu thành cơm, chúng ta ăn vào là đưa đất ở bên ngoài để bồi bổ cho đất ở bên trong thân của mình. Còn ba thứ kia là nước, gió, lửa cũng vậy. Nếu chúng ta bỏ đất, nước, gió, lửa mỗi thứ một nơi có còn là thân hình của chúng ta nữa không? Chắc chắn là không rồi.   
 
   Chúng ta lấy thí dụ. Một chiếc xe đạp do sườn, niềng, ghi đông, dây xích, bàn đạp, yên v.v… hợp lại mà thành. Nếu bỏ từng món ra thì có còn là chiếc xe đạp nữa không? Hoặc như cây chuối, nếu chúng ta tháo từng bẹ ra chỉ trơ lại cái lõi, không còn gì là cây chuối nữa. Thân của chúng ta cũng vậy, do đất, nước, gió, lửa kết hợp lại thành, nếu bỏ riêng mỗi thứ mỗi nơi không có gì là ta cả. Thế mà mình cứ chấp Tứ đại giả hợp này là thật, là của ta rồi tìm cách bồi đắp cho nó thật đẫy đà. Chẳng hạn chúng ta ăn để sống, để nuôi xác thân giả tạm này, nhưng chúng ta lại tìm cách ăn cho ngon, cho khoái khẩu của mình bằng cách giết những thú vật, gây tạo biết bao tội lỗi.
Tiếp...
Chào khách | Hiện tại:
Wap đang được hoàn thiện...
Trình duyệt khuyến nghị: UCweb UCweb

Tổng cộng: 548 khách
TOP-RATING
Mail: admin@phathoc.wap.sh
PhatHoc.Wap.Sh - PL 2559