Teya Salat
↓ Cuối trang
Sai lầm lớn nhất của đời người là Đánh mất mình.
Ủng hộ chương trình: Trái tim cho em. Soạn tin TTCE gửi 1408, mỗi tin nhắn 16,000 đồng, được chuyển tới Quỹ để hỗ trợ mổ tim nhân đạo cho trẻ em nghèo trên toàn quốc . Chi tiết: http://traitimchoem.vtv.vn
Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn
Tìm kiếm:
Wap học Phật trên mobile
Trang chủ > Sách - Truyện > Phật pháp cứu đời tôi - Phật pháp cứu đời tôi - Trang 1
[< Danh mục] Trang: [2] - [3] - [4]
Phật pháp cứu đời tôi
 
   Kính thưa đại chúng!
   Tất cả chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này, có người sinh ra được cả thế giới biết, có người sinh ra cả nước biết, có người sinh ra cả tỉnh biết, có người sinh ra cả huyện biết, có người sinh ra cả dòng họ biết, có người sinh ra chỉ có cha mẹ hoặc một vài người thân biết. Trong số những người sinh ra đó, tôi sinh ra chỉ có cha mẹ và một số người thân của cha mẹ biết mà thôi. Vì cha mẹ tôi ở miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, không có anh em thân thuộc đi theo, cũng không có chức có quyền hay giàu có gì cả, nên không có bạn bè nhiều.

   Có người sinh ra có những điềm lành báo trước, có người sinh ra đẹp trai hoặc tướng tốt, có người sinh ra trong gia đình địa vị giàu sang. Còn tôi sinh ra trong gia đình chỉ đủ ăn đủ mặc, không có điềm lành khi sinh, không đẹp trai hay tướng tốt, cũng không giàu có sung sướng. Qua sự so sánh trên, đủ biết tôi sinh ra đời kém phước, kiếp trước vụng tu nên kiếp này không được tốt đẹp như người. Đó là nhân quả của mình, nhân nào quả nấy, mình làm mình chịu chứ than trách ai.

   Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi, hết Xuân tới Hạ, hết ngày tới đêm, tôi cũng lớn lên trong sự thương yêu, đùm bọc của cha mẹ. Đến khoảng năm 1966, có một sự việc xảy ra mà tôi vẫn còn nhớ rõ. Thời đó, quân đội Mỹ còn đóng tại miền Nam Việt Nam. Ba tôi là lính công binh liên đoàn 30 đóng tại Thành Ông Năm, Hóc Môn. Lúc đó, nhà tôi ở mặt tiền đường, gần cổng nhà thờ Nam Hưng. Thỉnh thoảng, quân đội Mỹ hành quân tại Củ Chi. Mỗi lần đi như vậy rất đông, nào là xe Jeep, xe Cargo chở lính, xe thiết giáp chạy một dọc ầm ĩ trên đường. Khi nghe tiếng xe thiết giáp, bọn con nít chúng tôi biết là quân đội Mỹ đi hành quân, nên kéo ra bên đường đứng, tay cứ vẫy vẫy, miệng la “ô kê”, “ô kê”. Quý vị có biết vẫy tay như vậy làm gì không? Không phải chúng tôi vẫy tay chào mừng họ, con nít biết gì mà chào mừng, chẳng qua vẫy tay để được lính Mỹ quăng cho bánh, kẹo hoặc đồ hộp. Khi họ quăng xuống như vậy, bọn con nít chúng tôi nhào lại tranh giành, đôi khi vì muốn được phải ẩu đả lẫn nhau. Thời đó, có nhiều đứa vì tranh giành bánh kẹo chạy ra đường bị xe cán chết thật thê thảm.

   Một hôm, sau khi quân đội Mỹ hành quân từ Củ Chi trở về, đoàn quân dừng lại tạm nghỉ tại Thành Ông Năm, ngay phía trước nhà tôi. Bọn con nít chúng tôi thấy vậy cũng kéo ra bu quanh họ để kiếm bánh kẹo, nhưng có lẽ do họ đi hành quân về hết lương thực nên không cho đám con nít chúng tôi cái gì cả. Lúc ấy, ngay trước nhà tôi có đậu một chiếc xe Jeep, trên xe có hai ông lính Mỹ, một ông Mỹ đen và một ông Mỹ trắng. Ông Mỹ đen ngồi lái xe, ông Mỹ trắng ngồi kế bên. Chúng tôi lại gần để làm quen kiếm bánh, nhưng có lẽ do họ sợ điều gì nên vẫy tay đuổi đi. Chúng tôi bèn đứng cách xa khoảng hai mét. Lúc đó, tôi nhìn thấy một lon bia để bên hông xe, cạnh ông Mỹ đen. Nhìn lon bia, tôi liền nghĩ đến ba mình mỗi ngày đi làm về, chiều nào ăn cơm cũng uống một ly rượu đế, nếu được uống lon bia này chắc ngon lắm. Quý vị biết thời đó bia lon rất hiếm, chỉ có bia chai thôi. Nhà giàu mới có tiền mua bia lon uống, không như bây giờ nhìn thấy bia lon quá thường. Vì muốn ba mình được uống bia lon, nên tôi mon men lại gần và chộp ngay lon bia rồi chạy, nhưng không hiểu sao chạy được hơn ba mét bèn dừng lại xem ông Mỹ đen có đuổi theo không. Lúc đó, tôi thấy ông Mỹ đen móc súng ngắn ra định bắn thì ông Mỹ trắng cầm tay giữ lại, tôi thấy vậy hoảng quá chạy một mạch vào nhà trốn. Thế là thoát chết. Nếu lúc đó ông Mỹ đen mà bắn thì ngày nay chắc thân tôi thịt nát xương tan, thành đất hết rồi. Đâu còn cơ hội để nói chuyện với quý vị hôm nay.

   Sau đó, nhà tôi chuyển đi Sóc Trăng. Ở khoảng ba năm rồi lại chuyển qua Long Xuyên. Long Xuyên thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho nên tôi rất thường đi mò ốc bắt cua hoặc câu cá. Vào tháng mưa, tôi thường đi bắt cua ngoài ruộng. Trời mưa cua hay bò ra ngoài hang. Khi gặp người nó liền bò nhanh vào trong hang. Tôi thấy vậy chạy đến thò tay vào hang bắt. Có khi bị càng cua kẹp chảy máu tay. Lúc bị nó kẹp chảy máu tay, tôi nổi sân lên quyết bắt giết cho bằng được để trả thù. Quý vị thấy có vô lý không? Bắt nó bị nó kẹp là đúng rồi lại còn trả thù. Mình bắt giết nó, nó trả thù mình là phải. Đằng này, mình lại trả thù nó. Đúng là mạnh hiếp yếu. Khi bắt được khoảng 20 hay 30 con là được một nồi canh bún riêu cua. Tôi đem về nhà bóc mai cua bỏ, còn thân nó thì cho vào cối giã. Lúc đó, nhà chưa có cối đá, lấy cái nón sắt của quân đội làm cối để giã. Sau khi giã nát, vắt lấy nước nấu canh. Khi nấu xong, riêu cua nổi lên cả mảng trông rất ngon. Canh cua mà nấu với rau đay thì tuyệt. Hôm nào có canh cua rau đay tôi thích lắm, ăn cơm nhiều hơn. Bình thường ăn ba chén cơm, có canh cua rau đay ăn bốn chén.

   Có những lúc ban đêm trời mưa vừa dứt, ếch nhái ra rất nhiều, mấy đứa bạn rủ đi đâm ếch về nấu cháo ăn. Chúng tôi làm cái chỉa bằng căm xe đạp, mài thật nhọn, gắn vào đầu cây trúc. Ba đứa cùng đi, một đứa cầm đèn pin soi, một đứa cầm chỉa, nếu thấy ếch nhái là đâm, một đứa cầm sợi dây kẽm xỏ xâu ếch nhái lại. Đi khoảng hai tiếng đồng hồ, bọn chúng tôi đã bắt được mấy xâu ếch nhái, khoảng năm sáu chục con. Khi đem về nhà, không đứa nào dám làm thịt. Đứa này chỉ đứa kia, đứa kia chỉ đứa nọ. Lúc đó, máu anh hùng của tôi nổi lên, chê tụi nó là đồ nhát gan, liền đi vào bếp lấy dao ra cắt đầu từng con, rồi lột da. Sau đó móc ruột bỏ đi, để lên thớt bằm cho nát thịt ra, trộn với hành, muối tiêu xong bỏ vào nồi nấu cháo. Cháo chín, cả bọn chúng tôi xúm lại ăn. Có những lúc đi câu được cá lóc đem về nướng trui. Mấy đứa bạn mua thêm xị rượu đế về nhâm nhi. Tôi không uống được nhưng bạn bè ép quá thì cũng phải uống cho tụi nó vui. Lúc đầu uống vào thấy cay cay đắng đắng, nhưng uống một lát thấy cũng hay hay. May là việc uống rượu này chỉ xảy ra một lần, nếu nhiều lần chắc cũng thành bợm nhậu.

   Cuộc sống kinh tế gia đình tôi hơi khó khăn. Ba đi lính, mẹ ở nhà nội trợ, không có phụ giúp làm kinh tế gì cả. Chỉ chờ may mắn đến bằng cách đánh số đề, nhưng chờ mãi mà chẳng thấy đổi đời gì cả, chỉ càng thêm nghèo. Do hoàn cảnh cuộc sống gia đình khó khăn, nên tôi xin đi làm thêm để phụ giúp cho gia đình, vừa làm vừa học. Tôi được một người bạn của ba giới thiệu vào làm một trong hai chỗ. Quý vị có biết làm việc gì không? Đó là lò giết heo hoặc lò giết bò.
 
   Ngày đầu, tôi được họ dắt đến lò giết heo để thử việc. Do tôi là người mới nên họ chỉ cho làm việc lùa heo vào chỗ giết, rồi sau đó dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Có những con heo biết sắp bị giết nên nó kêu la thảm thiết không chịu đi, chúng tôi phải đánh đập lôi kéo nó vào lò. Lúc họ dùng dao đâm vào cổ heo, tôi để ý xem họ giết như thế nào, mổ như thế nào để sau này làm, vì làm những việc này tiền công cao hơn. Lúc đó, tôi rất mong được làm khâu giết mổ heo này để có được nhiều tiền phụ giúp gia đình. Tôi chỉ làm từ 24 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Ngày hôm sau tôi được dẫn đến lò giết bò. Đến nơi giết bò, tôi thấy họ cột 4 chân bò, 4 dây kéo về 4 góc, đầu bò ghịt vào một trụ cây trước sân. Một người đứng trên chiếc ghế cao cầm búa tạ đập liên tục xuống đầu bò. Nó đau đớn giãy giụa nhưng không cách nào thoát được, đành phải đứng chịu trận. Quá đau đớn nước mắt nó chảy ra. Đập vài chục búa, bò mới chết. Lúc đó tôi rất dửng dưng trước cái chết đau đớn của con bò, trái lại trong tâm còn chê ông ta đập dở quá, đập gì mà cả vài chục búa bò mới chết! Tôi nghĩ nếu sau này mình được làm khâu này chỉ đập chừng 5 búa là bò chết. Quả thật ý nghĩ đầy tội lỗi độc ác. Qua hai ngày đi làm thử, ba tôi lại quyết định không cho đi làm. Lý do là thức khuya quá sợ mất sức không học được. Cũng may nếu lò mổ heo, hay lò giết bò làm ban ngày, có lẽ hôm nay tôi đã thành tên đồ tể đầy tội ác rồi. Quả báo đền mạng không biết bao kiếp mới trả xong, thật là đáng sợ.

   Không làm nghề giết heo, giết bò được, lúc đó tôi cũng tiếc lắm, vì không có tiền để phụ giúp gia đình. Về sau, tôi xin đi bán bánh mì rong. Quý vị có biết bán bánh mì rong là gì không? Là mình đi bán chỗ này chỗ kia, không phải ngồi một chỗ tại cửa hàng. Mỗi sáng vào lúc 3 giờ tôi phải thức dậy để đi lấy bánh mì. Với cái tuổi mê ăn mê ngủ mà chịu thức sớm như vậy là cả một sự nỗ lực. Bình thường thì ngủ 7, 8 giờ mới thức dậy. Từ nhà đến lò bánh mì phải đi bộ hơn hai cây số. Tôi mua bánh mì tại lò rồi bỏ vào trong bao vải, bao này là bao quân trang của quân đội thời đó. Bánh mì mới ra lò cho nên còn nóng, vác lên lưng vừa nặng lại vừa nóng. Lúc đầu đi còn khỏe, càng đi xa càng thấy nặng. Đã thế, vừa đi lại phải vừa rao: “Bánh mì đây, bánh mì nóng dòn đây!”. Ngoài đường, xe chạy ồn ào, phải la lớn người ta mới nghe.

   Những ngày đầu đi bán la khan cả tiếng. Khi đi bán như vầy, quý vị biết hạnh phúc nhất là gì không? Là được nghe người ta kêu mua bánh mì. Mỗi lần nghe kêu “bánh mì” là mừng lắm, mặc dù mệt nhưng cũng cố chạy nhanh đến bán, vì mỗi sáng có rất nhiều đứa trẻ cùng lứa đi bán, nếu mình không nhanh chân thì mất khách và phải bán lâu hơn, đi xa hơn. Có những hôm bán sớm, nhiều nhà còn ngủ, nghe tiếng rao của mình, họ mở cửa ra chửi và còn hâm dọa kêu cảnh sát bắt nữa. Nghe vậy tôi sợ quá, chạy đi chỗ khác bán. Có những hôm bán đắt thì khoảng 6 giờ sáng là hết, nếu ế phải tới 7, 8 giờ. Bán xong, lời được đồng nào là tôi đem về gia đình hết, không dám tiêu xài, trái lại còn mong cho được nhiều tiền để phụ giúp gia đình. Có những đứa bạn cùng bán chung thấy nó ăn xài nhiều quá, tôi bèn hỏi ăn như vậy thì tiền lời đâu còn bao nhiêu, rủi cha mẹ có hỏi thì làm sao. Nó nói là bán 50 ổ thì nói dối là bán 30 ổ, số tiền lời 20 ổ đó thì xài.
Tiếp...
Chào khách | Hiện tại:
Wap đang được hoàn thiện...
Trình duyệt khuyến nghị: UCweb UCweb

Tổng cộng: 135 khách
TOP-RATING
Mail: admin@phathoc.wap.sh
PhatHoc.Wap.Sh - PL 2559