80s toys - Atari. I still have
↓ Cuối trang
Hãy biết ơn những người khiển trách ta, vì họ giúp ta tăng trưởng Định Tuệ.
Ủng hộ chương trình: Trái tim cho em. Soạn tin TTCE gửi 1408, mỗi tin nhắn 16,000 đồng, được chuyển tới Quỹ để hỗ trợ mổ tim nhân đạo cho trẻ em nghèo trên toàn quốc . Chi tiết: http://traitimchoem.vtv.vn
Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn
Tìm kiếm:
Wap học Phật trên mobile
Trang chủ > Sách - Truyện > Niệm Phật sinh Tịnh độ - Bốn thứ tâm của pháp môn niệm Phật - Trang 1
[< Danh mục] Trang: [2]

Bốn thứ tâm của pháp môn niệm Phật

   Dùng tín tâm đối với bản thệ nguyện lực của đức Phật A Di Đà.
   Dùng chí thành tâm miệng niệm tâm nhớ.
   Dùng thâm tâm niệm Phật niệm niệm buộc tâm.
   Lại dùng hồi hướng phát nguyện tâm, đem công đức niệm Phật hồi hướng cho tất cả chúng sinh, đều lìa khổ được vui, đều tin Phật học Pháp kính Tăng, đều niệm Phật thành Phật.

   Hôm nay tôi sẽ giảng về bốn thứ tâm của người tu hành theo pháp môn niệm Phật, đó là: tín tâm, chí thành tâm, thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm.
   1. Tín tâm
   Ở trong Phật pháp cho dù tu pháp môn nào trước tiên phải có tín tâm, như trong kinh đã nói: tin thì có thể vào. Người học Phật lấy tín tâm làm điều kiện trọng yếu thứ nhất. Đối tượng của tín tâm là tin pháp mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói trong kinh, đều là chân ngữ thật ngữ, câu câu đều hữu dụng, chữ chữ quý như vàng. Đứng ở lập trường phàm phu dù không đủ sức làm được đều phải nên tin. Vì đó gọi là Thánh ngôn lượng, đối với lời nói của bậc đại Thánh Phật Đà, lời lời đều chân thật không được hoài nghi, không nên cân nhắc. Đặc biệt là phương pháp tu hành rất nhiều, có vô lượng pháp môn, mỗi một pháp môn đều tùy theo căn tính bất đồng. Người không cùng chủng loại với nhau có căn tính tương đồng và căn tính bất đồng. Người không cùng hoàn cảnh thời đại cũng có căn tính tương đồng và căn tính bất đồng, cần phải đem pháp môn vô lượng để tiếp dẫn chúng sinh vô biên. Cho nên, lúc chúng ta nhận định chính xác và chấp nhận theo một vị Thiện tri thức nào tu hành, không nên hoài nghi về cá nhân họ nữa, cũng không nên hoài nghi về pháp môn mà họ đã dạy với pháp môn khác có giống nhau không? Có mâu thuẫn không? Trái lại thì sẽ không có cách gì sản sinh tín tâm kiên cố, cũng không đạt được chỗ thọ dụng chân chính.
   Chúng ta đang ở trong khóa tu Phật thất, niệm là niệm Phật A Di Đà, tu là tu pháp môn Tịnh độ. Pháp môn này trong kinh Phật có hơn 60 loại nói về Tịnh độ phương Tây của Phật A Di Đà, trọng yếu nhất là kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, hợp lại gọi là ba kinh Tịnh độ. Ở vào thời đại Ngụy Tấn của Trung Quốc (khoảng trước sau thế kỷ thứ 5 Tây lịch), việc tạo tượng Phật A Di Đà đã được thịnh hành. Ngài Đàm Loan thời Bắc Ngụy, ngài Huệ Viễn thời Đông Tấn, ngài Đạo Xước thời Tùy Đường, ngài Thiện Đạo thời Sơ Đường, về sau có các vị như Từ Mẫn, Pháp Chiếu, Thiếu Khang v.v… hoằng dương Tịnh độ Di Đà, nghiễm nhiên trở thành một dòng chính lớn của Phật giáo Trung Quốc. Lần này các vị Bồ tát đến bổn tự tham gia đả thất niệm Phật có hơn 380 vị là thuộc tổ Tinh tấn, còn có khoảng 500 vị khác là tùy hỷ, trong số này có nhiều vị đã từng tu hành qua các pháp môn khác, cũng đến tham gia tu hành niệm Phật, điều này biểu thị đối với pháp môn Di Đà cũng có tín tâm. Cho nên, nói đường nào cũng đến Trường An, tuy đường có khác mà đích đến là một, pháp môn tuy vô lượng, nhưng cùng mục đích là đưa người đến chỗ lìa khổ được vui, thành tựu đạo Bồ đề. Chúng ta nhất định phải tin pháp môn trước mắt đang tu trì là rất tốt, là rất đáng tin cậy.
   Chúng ta tin gì? Tin trong kinh điển nói có thế giới Cực lạc phương Tây, tin bản thệ nguyện lực của Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sinh hữu duyên đồng đăng chín phẩm sen ở cõi Tịnh độ phương Tây. Trước hết phải có tín tâm đối với bản nguyện của Phật A Di Đà, có tâm nguyện cầu sinh Tịnh độ, thì mới có thể quyết định được Đức Di Đà tiếp dẫn vãng sinh về thế giới Cực lạc phương Tây.
   Thế nhưng, phương pháp tu hành trong ba kinh Tịnh độ đã giới thiệu cũng có khác biệt. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật chủ trương dùng 16 pháp môn quán tưởng, tu trì theo quán tưởng tam muội và niệm Phật tam muội để đạt thành mục đích vãng sinh ba bậc chín phẩm. Kinh Vô Lượng Thọ chủ trương tín ngưỡng 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, y nguyện tu hành, cho dù phàm phu còn hoặc nghiệp cũng nhất định được vãng sinh Phật quốc. Kinh A Di Đà chủ trương lấy tín nguyện hành, chấp trì danh hiệu Di Đà, cầu nguyện vãng sinh cõi Phật. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật cũng yêu cầu phải trì giới, tu phước, phát tâm Bồ đề. Kinh A Di Đà thì yêu cầu phải trì danh đến chỗ nhất tâm bất loạn. Kinh Vô Lượng Thọ chủ trương nếu chỉ có thể tin vui không sinh tâm nghi, từ mười niệm cho đến một niệm, người cầu nguyện vãng sinh cũng được như nguyện. Vì Phật giáo Trung Quốc xem trọng kinh A Di Đà, cho rằng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn mới có thể vãng sinh Tịnh độ phương Tây, do đó khiến cho rất nhiều người niệm Phật biến thành tự tư, không quản đến sự việc thế gian, chỉ cầu chuyên tâm niệm Phật, sợ đến lúc lâm chung không được nhất tâm bất loạn sẽ không được vãng sinh Cực lạc. Tín ngưỡng Tịnh độ của Nhật Bản thì không như vậy, họ xem trọng kinh Vô Lượng Thọ, cho nên Tịnh độ tông của phái Pháp Nhiên, Tịnh độ Chân tông của phái Thân Loan, đặc biệt cường điệu bản nguyện tha lực của Phật A Di Đà, chỉ cần tin bản nguyện của Đức Di Đà cũng có thể nương nhờ sức Phật mà được cứu, tư tưởng này cũng giống như niềm tin Thượng đế của Cơ Đốc giáo, nhưng trên thực tế thì chẳng đồng. Bởi vì tín đồ Cơ Đốc giáo tin Chúa, tự mình không thể thành Chúa được, còn tín đồ Phật giáo niệm Phật kết quả sẽ thành Phật. Hiện nay tôi chủ trương phải tin kinh Phật, tin lời Phật, nếu y theo kinh A Di Đà trì danh hiệu Phật, từ một ngày đến bảy ngày nhất tâm bất loạn, lâm chung thấy Phật đến tiếp dẫn, quả là quý báu vô cùng, cho nên cần dùng phương thức tu Phật thất để trợ duyên tu chứng. Nếu căn cứ theo kinh Vô Lượng Thọ thì trừ người phạm tội ngũ nghịch ra, người nào muốn sinh về cõi Tịnh độ nên hết lòng tin vui, cho đến niệm Phật mười niệm cũng đều quyết định vãng sinh. Theo phương pháp này thì không phải lo không được nhất tâm bất loạn và không được vãng sinh Tịnh độ nước Phật. Nếu y theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật thì so ra phiền phức hơn, phải chia làm ba điểm tiến hành tu trì Tịnh độ Di Đà. 1/ Tu ba phước (bao hàm luân lý thế gian, quy giới thập thiện, phát tâm Bồ đề, tụng kinh Đại thừa). 2/ Tu 16 pháp quán tưởng. 3/ Tu pháp chín phẩm vãng sinh. Cho nên, kinh này tại Trung Quốc và Nhật Bản đều ít người tu. Thời xưa Trung Quốc và Nhật Bản xem trọng kinh Vô Lượng Thọ. Người Trung Quốc hiện nay xem trọng kinh A Di Đà, cứu cánh của pháp môn Tịnh độ ở tại chữ tín, có tin bản nguyện của Đức Di Đà, mới có thể niệm Phật vãng sinh. Ngay như Bồ tát Long Thọ cũng nói, Tịnh độ thuộc về đạo dễ hành nhờ tha lực trợ giúp, nếu tu thiền quán thì cũng giống như kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói, ngược lại có điểm giống như đạo khó hành phải tự lực giải thoát.
   Pháp môn tu hành Tịnh độ Di Đà, pháp này sở dĩ được nhiều người sùng tín tại Trung Quốc và Nhật Bản, là ở chỗ bản nguyện tha lực của Đức Di Đà ban cho người ta tín tâm tuyệt đối an ổn, không phải suy nghĩ công đức của mình đã làm nhiều hay ít, cũng không cần quan tâm đến công sức lớn nhỏ mà mình tu chứng. Chỉ cần tín ngưỡng bản nguyện của Phật A Di Đà, lập thệ vãng sinh là được, sau đó có thể an tâm gánh vác những việc tự lợi lợi tha. Cho dù trì giới không nghiêm, phiền não chưa đoạn hết, cũng có đức Phật A Di Đà y theo bản thệ nguyện lực của Ngài đến tiếp dẫn. Hành giả Tịnh độ có thể an tâm tu tập.
   Quý vị Bồ tát đến tham gia Phật thất thanh minh báo ân, chấp trì Thánh hiệu Di Đà, cần phải tin bản thệ nguyện lực của đức Phật A Di Đà, tin người niệm Phật lúc lâm chung quyết định thấy được đức Phật A Di Đà từ bi tiếp dẫn, trong bảy ngày tu có thể được nhất tâm niệm Phật rất tốt, cho nên cần phải mỗi niệm dùng tâm niệm. Nếu vẫn tán tâm niệm mà không được hiệu quả nhất tâm cũng không lo, như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nói, dù là người phạm tội ngũ nghịch thập ác, nếu đến lúc lâm chung gặp được bậc tri thức dạy cho niệm Phật A Di Đà, niệm được mười niệm thì thấp nhất cũng được hạ sinh hạ phẩm vãng sinh Cực lạc. Thế nhưng, đã đến đây tham gia Phật thất niệm Phật thì không được để tâm giải đãi, nếu bạn không kịp thời niệm Phật, niệm cho thành tập quán, đợi đến khi lâm chung, ai có thể bảo chứng bạn gặp được thiện hữu đến khuyến dẫn, ai lại có thể bảo chứng lúc ấy bạn còn đủ sáng suốt để niệm được mười niệm danh hiệu Phật A Di Đà? Do đó, phải ngay tại trong Phật thất này tinh tấn niệm Phật, nếu có thể trì niệm liên tục mọi lúc mọi nơi, thì đó là sự chuẩn bị rất tốt cho việc vãng sinh cõi nước Cực lạc phương Tây.
Chào khách | Hiện tại:
Wap đang được hoàn thiện...
Trình duyệt khuyến nghị: UCweb UCweb

Tổng cộng: 120 khách
TOP-RATING
Mail: admin@phathoc.wap.sh
PhatHoc.Wap.Sh - PL 2559