↓ Cuối trang
Hãy biết ơn những người làm hại ta, vì họ đã tôi luyện tâm trí của ta.
Ủng hộ chương trình: Trái tim cho em. Soạn tin TTCE gửi 1408, mỗi tin nhắn 16,000 đồng, được chuyển tới Quỹ để hỗ trợ mổ tim nhân đạo cho trẻ em nghèo trên toàn quốc . Chi tiết: http://traitimchoem.vtv.vn
Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn
Tìm kiếm:
Wap học Phật trên mobile

IV. CÁC LOẠI NGHIỆP

Đứng về phương diện thời gian, kinh “Nhân quả” có chia các nghiệp như sau:

1. Thuận hiện nghiệp: Đời nay tạo nghiệp, đời sau thọ quả.

2. Thuận sinh nghiệp: Đời nay tạo nghiệp, đời sau chịu quả.

3. Thuận hậu nghiệp: Đời nay tạo nghiệp, cách mấy đời sau mới chịu quả.

4. Thuận bát định nghiệp: Nghiệp quả xảy đến không nhất định thời nào, có khi trong đời này, có khi đời sau, có khi nhiều đời sau.

Đứng về phương tiện tính chất, trong các kinh thường phân loại các nghiệp như sau:

i. Tích lũy nghiệp: Là những nghiệp tạo tác trong nhiều đời trước chất chứa lại.

ii. Tập quán nghiệp: Là những nghiệp tạo trong đời hiện tại, luôn luôn tiếp diễn, nên thành thói quen, thành tập quán, thành nếp sống riêng biệt.

iii. Cực trọng nghiệp: Là những nghiệp quan trọng có năng lực tác động mãnh liệt hơn cả các nghiệp khác và chi phối tất cả. Nó phát hiện nghiệp quả ngay trong đời hiện tại, hay trong đời kế tiếp. Nó có thể là kết quả của những hành vi tốt đẹp nhất như hành vi của kẻ tu hành chân chính, nó cũng có thể là kết quả của những hành vi xấu xa, vô đạo nhất như tội ngũ nghịch: giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm hại Phật và chia rẽ Tăng chúng.

iv. Cận tử nghiệp: Là những nghiệp lực gần lúc lâm chung, cũng rất mãnh liệt và chi phối rất nhiều trong sự đi đầu thai.

Đứng về phương diện nặng nhẹ, lớn nhỏ của các nghiệp, thì trong các kinh cũng chia chẻ một cách rất khoa học và hợp lý, Không phải rằng hành động nào có hình thức giống nhau thì nghiệp nhân và nghiệp quả đều giống nhau. Sự khinh trọng, lớn nhỏ của quả báo đều có căn cứ nơi ý để thành lập. Kinh Ưu bà tắc, trong khi nói về sự nặng, nhẹ, lớn nhỏ của nghiệp nhân và nghiệp quả, có phân chia làm bốn trường hợp:

a. Việc nặng mà ý nhẹ: như khi quăng đá để dọa người, mà lỡ tay giết phải người.

b. Việc nhẹ mà ý nặng: như khi thấy một tượng đá, tưởng là kẻ thù của mình, nắm dao đến đâm, kết quả của việc làm vì tượng đá bị sứt mẻ, nhưng ý thì nặng là muốn giết người.   

c. Việc và ý đều nhẹ: như vì không thích một người nào, nên dùng lời để châm biếm người ấy.

d. Việc và ý đều nặng: như vì thù, cố ý giết người và đã giết thật.

Cũng  trong kinh Ưu bà tắc, có sự phân chia tội báo nặng nhẹ thành tám loại như sau:

a) Phương tiện nặng nhưng căn bản và thành dĩ nhẹ: như lấy dao dọa người, chẳng may động đến họ, họ bị thương. Phương tiện (cầm dao) thì nặng, nhưng căn bản (dọa người, chứ không phải ác ý) thì nhẹ và thành dĩ (bị thương) cũng nhẹ.

b) Căn bản nặng, nhưng phương tiện và thành dĩ nhẹ: như muốn giết người, nhưng chỉ lấy đá ném và vì thế, họ chỉ bị thương thôi. Căn bản (muốn giết) thì nặng, nhưng phương tiện (lấy đá ném) và thành dĩ (vết thương) đều nhẹ.

c) Thành dĩ nặng, nhưng căn bản và phương tiện nhẹ: như ném đá chơi, chẳng may vỡ sọ người ta. Thành dĩ (vỡ sọ) nặng mà căn bản (chơi) và phương tiện (ném đá) đều nhẹ.

d) Phương tiện và căn bản nặn, thành dĩ nhẹ: như muốn giết người, chém một nhát mạnh vào yết hầu, nhưng người ấy chỉ bị thương xoàng thôi. Phương tiện (cầm dao chém) và căn bản (muốn giết người) đều nặng, nhưng thành dĩ (vết thương xoàng) nhẹ.

e) Phương tiện và thành dĩ nặng, căn bản nhẹ: như vô ý để xe cán người chết. Phương tiện (xe cán) và thành dĩ (người chết) đều nặng, nhưng căn bản (vô ý) thì nhẹ.

f) Căn bản và thành dĩ nặng, nhưng phương tiện nhẹ: như ác ý nói láo, đến nỗi kẻ kia phải bị tù tội. Căn bản (ác ý) và thành dĩ (tù tội) đều nặng, nhưng phương tiện (nói láo) thì nhẹ.

g) Căn bản, thành dĩ và phương tiện đều nặng: Muốn giết người và đã dùng dao chém người đến chết. Căn bản (muốn giết người) thành dĩ (người chết) và phương tiện (chém) đều nặng.

h) Căn bản, thành dĩ và phương tiện đều nhẹ: như giả giết bằng cách quơ dao làm người kia sợ trong chốc lát. Căn bản (giả giết) thành dĩ (làm sợ hãi) và phát triển (quơ dao) đều nhẹ.

Sự phân chia rõ ràng trên đây đủ cho chúng ta thấy được sự sai khác nặng nhẹ của nghiệp nhân vá quả. Theo đó, chúng ta có thể kết luận rằng sự khinh trọng của nghiệp báo đều dựa căn bản ở ý. Và như thế, chúng ta đừng lấy làm lạ tự hỏi tại sao hai người cùng làm một việc giống nhau mà thọ quả báo lại khác nhau, hành động giống nhau là bên ngoài, chứ tác ý ở bên trong làm sao chúng ta biết được? Vì thế, chúng ta không nên nhìn bên ngoài mà phê phán được.

V. KHÔNG NÊN LẦM TƯỞNG NGHIỆP LÀ HỒN

Có người nghĩ rằng nghiệp chi phối tất cả đời sống con người, nghiệp là chủ động, nghiệp tồn tại mãi mãi, thì nghiệp chẳng khác gì linh hồn bất tử. Độc lập một quan niệm sai lầm. Đạo Phật không bao giờ công nhận có linh hồn bất tử. Đạo Phật đã chủ trương mọi sự mọi vật, đều vô thường, thì không lý nào lại công nhận có một linh hồn vĩnh viễn trưòng tồn, bất biến.

Theo đạo Phật con người là một sự tổ hợp của năm nhóm (ngũ uẩn) vật chất và tinh thần: sắc (xác thân), và thọ, tưởng, hành, thức (tinh thần). Năm nhóm này biến đổi từng phút từng giây như một dòng nước. Khi mệnh chung, những nhóm ấy tan rã, nhưng kết quả của những hành động về thân, khẩu, ý của người ấy vẫn còn tác động. Cái còn lại đó là nghiệp. Cái nghiệp này chất chứa những ước vọng thầm kín, nhưng mãnh liệt nhất của con người, là sự tham sống và sự luyến ái. Nên biết một kẻ tự tử, cũng không phải là đã hết muốn sống. Họ không muốn sống cái đời họ đang sống nên họ muốn chấm dứt nó để sống một đời sống khác tốt đẹp hơn. Và như thế, động lực của sự tự tử vẫn là do lòng tham sống mãnh liệt hơn. Lòng tham sống và ái dục là những nguyên nhân chính của những hành động của con người lúc sống, thì khi chết, cái kết quả của những hành động ấy vẫn là lòng tham sống và ái dục. Do lòng tham sống và ái dục ấy, nên khi lâm chung, nghiệp lực rời bỏ thân các này và đi tìm một thân xác khác gá vào để thỏa mãn những ước vọng tham dục của mình. Đó là nguyên nhân của kiếp sau. Như thế, không cần có một linh hồn bất biến mới có đời sau. Sự nối tiếp từ đời này sang đời khác là do ở nghiệp cả. Nghiệp là động lực chính của dòng sinh mạng nối tiếp từ kiếp này sang kiếp khác, cũng như gió là nguyên nhân làm cho sóng dậy và tiếp nối từ làn này sang làn khác. Bao giờ còn gió nghiệp thì còn sóng đời. Gió nghiệp dừng nghỉ thì biển đời sẽ thanh tịnh. Và khi ấy sẽ không còn sống chết, đầy vơi gì cả.

VI. HÀNH TƯỚNG CỦA NGHIỆP LỰC TRONG KHI ĐI ĐẦU THAI

Sau khi một thân mạng đã trút hơi thở cuối cùng, nghiệp lực rời bỏ thân mạng ấy để đi tìm một thân mạng khác gá vào. Dắt dẫn bởi ái dục, nó đi tìm những cuộc giao phối giữa nam nữ. Nghiệp nhân quá khứ như thế nào thì nó đi tìm hoàn cảnh thích hợp với nghiệp nhân như thế ấy. Hoàn cảnh ấy đạo Phật gọi là y báo. Y báo có thể sáng sủa hay tối tăm, an vui hay buồn thảm, thanh tịnh hay ô uế ... tùy sự lựa chọn thích hợp của nghiệp quá khứ. Như luồng điện phát ra ở đài phát thanh ngắn hay dài, bao nhiêu thước tấc thì nó sẽ tìm máy thu thanh vặn đúng thước tấc ấy để vào. Chỉ có khác là luồng điện có thể vào một lúc nhiều máu thu thanh, còn nghiệp lực thì chỉ đi dầu thai ở một nơi mà thôi. Một cái thai đậu được phải đủ ba yếu tố: tinh trùng của cha, trứng của mẹ, thần thức và nghiệp lực.

Thiếu một trong ba yếu tố ấy, thai không thành, Khi thai dã thành là một đời mới bắt đầu. Nói là mới, nhưng thật ra cái đời sau này vẫn còn mang những mầm giống của nghiệp nhân quá khứ. Những nghiệp nhân này cứ tuần tự theo cới thời gian và tùy hoàn cảnh mà phát triển dần. Những nghiệp nhân nào vì chưa đủ trợ duyên để phát hiện ra nghiệp quả trong đời này, thì có thể phát sinh trong một đời sau nếu hội đủ nhân duyên.

Trên đây, chúng tôi chỉ nói riêng về cái hành tướng của nghiệp lực trong khi đi đầu thai ở cảnh giới người.

Nhưng một nghiệp lực không phải chỉ quanh quẩn trong cảnh giới người, mà có thể đi tìm một cảnh giới khác trong sáu cảnh giới mà đạo Phật thường nói đến, là: Thiên, Nhân, A tu la, Ngạ Quỷ, Súc sinh và Địa ngục.

Đến đây, chúng ta thấy mở ra trước mắt chúng ta một vấn đề rộng rãi bao quát hơn. Đó là vấn đề luân hồi, mà chúng tôi xin trình bày  ở chương sau.

Chào khách | Hiện tại:
Wap đang được hoàn thiện...
Trình duyệt khuyến nghị: UCweb UCweb

Tổng cộng: 120 khách
TOP-RATING
Mail: admin@phathoc.wap.sh
PhatHoc.Wap.Sh - PL 2559

Polly po-cket