Wap học Phật trên mobile
1.7. Lại nữa Thường-Tinh-Tấn! Nếu có thiện-nam-tử, cùng thiện-nữ-nhơn thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, được một nghìn hai trăm thiệt công đức.
Những món hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc ngon, hoặc dở và các vật đắng chát, ở trên lưỡi của người đó, đều biến thành vị ngon như vị cam-lồ trên trời không món nào là chẳng ngon.
Nếu được thiệt căn đó ở trong đại chúng nói pháp có chỗ diễn ra tiếng sâu mầu có thể vào tâm chúng, đều làm cho vui mừng sướng thích.
Lại các vị thiên-tử, thiên-nữ, các trời Thích, Phạm, nghe tiếng tăm thâm diệu này diễn nói ngôn luân thứ đệ, thảy đều đến nghe. Và các hàng Long, Long- nữ, Da-xoa, Da-xoa nữ, Càn-thát-bà, Càn-thát-ba nữ, A-tu-la, A-tu-la nữ, Ca-lầu-la, Ca-lầu-la nữ, Khẩn-na-la, Khẩn-na-la nữ, Ma-hầu-la-dà, Ma-hầu-la-da nữ, vì để nghe pháp mà đều gần gũi cung kính cúng dường.
Và Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-ba-tắc, Ưu-ba-di, Quốc-vương, Vương-tử, quần thần, quyến thuộc, tiểu Chuyển-luân-vương, đại Chuyển-luân-vương, bảy báu, nghìn người con, cùng quyến thuộc trong ngoài, ngồi cung điện đồng đến nghe pháp.
Vì vị Bồ-Tát này khéo nói pháp, nên hàng Ba-la-môn, cư-sĩ, nhân dân trong nước trọn đời theo hầu cúng dường. Lại các Thanh-văn, Bích-chi-Phật, Bồ-Tát các đức Phật thường ưa thấy người đó, người đó ở chỗ nào, các đức Phật đều xoay về phiá đó nói pháp, ngườiđó đều hay thọ trì tất cả Phật Pháp, lại có thể nói ra tiếng pháp sâu mầu.
Khi đó, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
1.8. Người đó lưỡi thanh tịnh
Trọn không thọ vị xấu
Người đó ăn uống chi
Đều biến thành cam-lồ.
Dùng tiếng hay thâm tịnh
Ở trong chúng nói pháp
Đem các nhân duyên dụ
Dẫn dắt lòng chúng sanh
Người nghe đều vui mừng
Bày đồ cúng dường tốt.
Các trời, rồng, Dạ-xoa
Cùng A-tu-la thảy
Đều dùng lòng cung kính
Mà đồng đến nghe pháp
Người nói kinh pháp đó
Nếu muốn dùng tiếng mầu
Khắp cùng cõi Tam-thiên
Tuỳ ý liền được đến.
Đại, Tiểu Chuyển-luân-vương
Và nghìn con quyến thuộc
Chấp tay lòng cung kính
Thường đến nghe thọ pháp,
Các trời, rồng, Dạ-xoa
La-sát, Tỳ-xá-xà
Cũng dùng lòng vui mừng
Thường ưa đến cúng dường,
Phạm-thiên-vương, Ma-vương,
Tự-tại, Đại-tự-tại
Các chúng trời như thế
Thường đến chỗ người đó.
Các Phật cùng đệ tử
Nghe người nói tiếng pháp
Thương nhớ giữ gìn cho
Hoặc lúc vì hiện thân.
1.9. Lại nữa, Thường-Tinh-Tấn! Nếu có thiện-nam-tử cùng thiện-nữ-nhơn thọ trì, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép được tám trăm thân công đức, được thân thanh tịnh như lưu ly sạch chúng sanh ưa thấy. Vì thân đó trong sạch nên chúng sanh trong cõi tam-thiên đại-thiên, lúc sanh lúc chết, trên dưới, tốt xấu, sanh chỗ lành, chỗ dữ v.v.. đều hiện rõ trong đó.
Và núi Thiết-vi, núi Đại-thiết-vi, núi Di-lâu, núi Đại-di-lâu..v.v.. các núi cùng chúng sanh ở trong đó đều hiện rõ trong thân, dưới đến địa ngục A-tỳ, trên đến trời Hữu-Đảnh cảnh vật cùng chúng sanh đều hiện rõ trong thân. Hoặc là Thanh- văn, Duyên-giác, Bồ-Tát cùng chư Phật nói pháp đều hiện sắc tượng ở trong thân.
Bấy giờ, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng.
1.10. Nếu người trì Pháp-Hoa
Thân thể rất thanh tịnh
Như lưu ly sạch kia
Chúng sanh đều ưa thấy.
Lại như gương sáng sạch
Đều thấy các sắc tượng
Bồ-Tát nơi tịnh thân
Thấy cả vật trong đời
Chỉ riêng mình thấy rõ
Người khác không thấy được,
Trong cõi nước tam-thiên
Tất cả các chúng sanh
Trời, người, A-tu-la
Địa-ngục, quỷ, súc-sanh
Các sắc tượng như thế
Đều hiện rõ trong thân.
Cung điện của các trời
Nhẫn đến trời Hữu-Đảnh
Núi Thiết-vi, Di-lâu
Núi Ma-ha Di-lâu
Các biển nước lớn thảy
Đều hiện ở trong thân.
Các Phật cùng Thanh-văn
Phật tử Bồ-Tát thảy
Hoặc riêng, hoặc tại chúng
Nói pháp thảy đều hiện.
Dầu chưa được diệu thân
Pháp tánh sạch các lậu
Dùng thân thanh tịnh thường
Tất cả hiện trong đó.
1.11. Lại nữa Thường-Tinh-Tấn! Sau khi Đức Như-Lai diệt độ, nếu có người thiện-nam-tử cùng thiện-nữ-nhơn thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thời được một nghìn hai trăm ý công đức.
Dùng ý căn thanh tịnh đó nhẫn đến nghe một kệ, một câu, suốt thấu vô lượng, vô biên nghĩa, hiểu nghĩa đó rồi, có thể diễn nói một câu, một kệ đến một tháng, bốn tháng nhẫn đến một năm. Các pháp nói ra tùy nghĩa thú kia đều thật tướng chẳng trái nhau.
Nếu nói kinh sách trong đời, lời lẽ trị thế, nghề nghiệp nuôi sống v.v. .. đều thuận chánh pháp. Sáu đường chúng sanh trong cõi tam-thiên đại-thiên, lòng nghĩ, tưởng, lòng động tác, lòng hý luận, thảy đều biết đó.
Dầu chưa được trí huệ vô lậu mà ý căn thanh tịnh như thế, người đó có suy nghĩ, tính lường, nói năng những chi thời đều là Phật pháp cả, không có gì là chẳng chân thật, cũng là lời trong kinh của các Phật thuở trước nói.
Bấy giờ, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghiã trên mà nói kệ rằng:
1.12. Ý người đó thanh tịnh
Sáng lanh không đục nhơ
Dùng ý căn tốt đó
Biết pháp : Thượng, trung, hạ
Nhẫn đến nghe một kệ
Thông đạt vô lượng nghĩa
Thứ đệ nói đúng pháp
Tháng, bốn tháng, đến năm.
Trong ngoài của cõi này
Tất cả các chúng sanh
Hoặc trời rồng và người
Dạ-xoa, quỉ, thần thảy
Kia ở trong sáu đường
Nghĩ tưởng bao nhiêu đều
Phước báo trì Pháp-Hoa
Đồng thời thảy đều biết.
Vô số Phật mười phương
Trăm phước tướng trang nghiêm
Vì chúng sanh nói pháp
Đều nghe hay thọ trì.
Suy gẫm vô lượng nghĩa
Nói pháp cũng vô lượng
Sau trước chẳng quên lộn
Bởi thọ trì Pháp-Hoa
Trọn biết các pháp tướng
Theo nghĩa rõ thứ đệ.
Suốt danh tự ngữ ngôn
Như chỗ biết diễn nói.
Người đó có nói ra
Là pháp của Phật trước
Vì diễn nói pháp này
Ở trong chúng không sợ.
Người trì kinh Pháp-Hoa
Ý căn tịnh như thế
Dầu chưa được vô lậu
Trước có tướng dường ấy.
Người đó trì kinh này
An trụ bậc hy hữu
Được tất cả chúng sanh
Vui mừng mà mến kính.
Hay dùng nghìn muôn ức
Lời lẽ rất hay khéo
Phân biệt mà nói pháp
Bởi trì kinh Pháp-Hoa.