Disneyland 1972 Love the old s
Hãy biết ơn những người làm hại ta, vì họ đã tôi luyện tâm trí của ta.
Ủng hộ chương trình: Trái tim cho em. Soạn tin TTCE gửi 1408, mỗi tin nhắn 16,000 đồng, được chuyển tới Quỹ để hỗ trợ mổ tim nhân đạo cho trẻ em nghèo trên toàn quốc . Chi tiết: http://traitimchoem.vtv.vn
Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn
Tìm kiếm:
Wapsite Phật học trên mobile
Để cho trang wap càng nhiều nội dung, mình sẽ thường xuyên post các vấn đề liên quan đến Phật học mà mình sưu tầm được để mọi người cùng tìm hiểu. Mình sẽ post thẳng vô trang chủ, sau mục "Thảo luận/Liên hệ Admin"!
  • Phật học sưu tầm
  • * 11 Lời Dạy (Trích Đoạn) Vàng Ngọc Về Niệm Phật Của Pháp Sư Tịnh Không

    1. Hiện thời có một phương pháp để tu nhiều thiện căn, nhiều phước đức rất dễ dàng. Pháp dễ dàng là như thế nào? Niệm A Di Đà Phật, thiện căn và phước đức của quý vị thảy đều đầy đủ. Nếu chẳng niệm A Di Đà Phật, tu thiện căn và phước đức hết sức khó khăn, tỏ rõ công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn của câu Phật hiệu. Nói thật thà, câu Phật hiệu này tuy rất dễ niệm, [chỉ là] “Nam Mô A Di Đà Phật” (hoặc A Di Đà Phật), có mấy ai chịu niệm? Không chịu niệm! Người thật sự chịu niệm câu Phật hiệu sẽ như kinh Vô Lượng Thọ đã nói: Nhất định là từ đời quá khứ trong vô lượng kiếp cho tới nay, thiện căn do người ấy tu tập, tích lũy nay đã chín muồi, tức là: Thiện căn và phước đức đã chín muồi, nay lại được mười phương chư Phật Như Lai âm thầm gia trì, che chở, đó là nhân duyên. Mười phương hết thảy chư Phật Như Lai gia trì, nhiều nhân duyên đấy nhé! Do trong đời quá khứ có nhiều thiện căn, nhiều phước đức, người ấy mới nghe một câu A Di Đà Phật bèn sanh tâm hoan hỷ, khăng khăng một mực thật thà niệm mãi, chẳng phải là chuyện đơn giản! Vì thế, phàm là người niệm Phật vãng sanh, tuyệt đối chẳng phải là tu trong một đời, mà là đã tu tập, tích lũy nhiều đời, nhiều kiếp, tới đời này chín muồi.

    2. “Thường” là vĩnh viễn bất biến, đó là Tánh Đức. Thưa cùng chư vị, nếu chúng ta muốn thấu lộ Tánh Đức, đạt được thọ dụng chân thật, dùng phương pháp gì? Niệm Phật là phương pháp tốt nhất. Chúng ta niệm Phật nhằm mong đạt được gì? Chẳng phải là để được cảm ứng, chẳng phải nhằm đắc thần thông, cũng chẳng phải là để thấy thụy tướng, cũng chẳng phải là để thấy Phật hay thấy quang minh, những thứ ấy đều chẳng phải! Niệm Phật nhằm mục đích đắc nhất tâm bất loạn; nói cách khác, niệm nhằm đạt được cái tâm thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh chẳng có một vọng niệm nào! Khi một vọng niệm cũng chẳng có, bèn là Thường, tâm vĩnh viễn là như vậy. Tâm phàm phu vô thường, vì sao? Niệm này khởi, niệm kia diệt, ý niệm sanh diệt không ngừng, suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, đó là vô thường. Người niệm Phật trong mười hai thời chỉ có một niệm A Di Đà Phật, ngoại trừ A Di Đà Phật ra, chẳng có niệm nào khác. Niệm ấy là Thường.

    Trong tâm thanh tịnh chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, chẳng có phiền não, chẳng có ưu lự, đó là Lạc, đấy là Chân Lạc.

    3. Điều then chốt trong hiện thời chính là tịnh nghiệp. Nghiệp là gì? Trước hết, phải hiểu rõ ràng, minh bạch hai chữ ấy. Hiện thời gọi Nghiệp là “hoạt động”, cổ nhân nói là “tạo tác”. Động tác nơi thân chúng ta gọi là “thân nghiệp”, ngôn ngữ nơi miệng gọi là “khẩu nghiệp”. Trong tâm, khởi tâm động niệm được gọi là “ý nghiệp”. Ba nghiệp có thanh tịnh hay không? Nay chúng ta lại phải hỏi: Ba nghiệp thanh tịnh là gì? Chẳng thanh tịnh là gì? Thanh tịnh và không thanh tịnh có một tiêu chuẩn: Bị nhuốm bẩn thì chẳng thanh tịnh, chẳng bị nhuốm bẩn bèn là thanh tịnh. Nhuốm bẩn là gì? Trong là vọng tưởng, chấp trước; ngoài là sáu trần dụ dỗ, mê hoặc. Tướng cảnh giới bên ngoài dụ dỗ, mê hoặc, nội tâm quý vị có bị nhuốm bẩn hay không? Bên ngoài dụ dỗ, mê hoặc, thuận với ý nghĩ của quý vị bèn dấy lòng tham ái. Tham ái là nhuốm bẩn, nghiệp bất tịnh. Hễ trái ý [tâm bèn nẩy sanh ý niệm] chán ghét, ganh tỵ, oán hận, thì cũng là nhuốm bẩn. Nói cách khác, thất tình ngũ dục là nhuốm bẩn. Nếu ba nghiệp của quý vị còn có nhuốm bẩn, sẽ chẳng thành công, chẳng thể vãng sanh. Vãng sanh thì ba nghiệp phải thanh tịnh. Nói thật ra, công phu ấy cũng chẳng khác với tiêu chuẩn đã nói trong kinh Kim Cang cho mấy: “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm”. Bất luận thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, đều phải đạt tới “chẳng chấp tướng, như như bất động”. Đó là tu tịnh nghiệp; muốn vãng sanh trong một đời này thì nhất định phải ghi nhớ điều này.

    Chúng ta cậy vào một câu A Di Đà Phật. Trong tâm mới khởi tâm động niệm, ngay lập tức chuyển [niệm ấy] thành A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là tịnh nghiệp. Nói cách khác, nơi tâm và miệng chẳng có A Di Đà Phật thì là nhiễm nghiệp, nghiệp chẳng thanh tịnh.

    Quý vị suốt ngày từ sáng đến tối trong mười hai thời, trong tâm đừng quên A Di Đà Phật, niệm niệm đều khởi lên A Di Đà Phật, đó là tịnh nghiệp. Trong tâm có A Di Đà Phật, tâm thanh tịnh; nơi miệng có A Di Đà Phật, miệng thanh tịnh; thân thể lễ bái A Di Đà Phật, thân thanh tịnh. Ba nghiệp thanh tịnh chính là điều kiện để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị thấy điều kiện này đơn giản, dễ dàng nhiều lắm!

    4. “Thanh tịnh, bình đẳng, giác” thuộc về Tu Đức, chúng ta tu gì? Tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, đó là Tu Đức. Hằng ngày niệm một câu Phật hiệu, tuyệt đối chẳng phải là niệm cho A Di Đà Phật nghe! Ngàn muôn phần đừng nghĩ “ta nay niệm ba vạn câu hoặc năm vạn câu, nhất định A Di Đà Phật sẽ rất hoan hỷ”, [nghĩ như vậy là] sai bét mất rồi! Vừa niệm Phật, vừa nghĩ “Phật ưa thích ta, Phật chẳng ưa kẻ nọ!” Vừa niệm Phật vừa dấy vọng tưởng, làm sao có thể thành tựu cho được? Do đó, câu Phật hiệu phải khôi phục tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình. Phật hiệu chỉ là phương tiện mà thôi, phải nghiêm túc niệm. Nói “nghiêm túc” tức là quyết định chẳng hoài nghi, chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp. Niệm Phật hay niệm kinh đều phải căn cứ trên nguyên tắc này, đó mới là “đầy đủ Tu Đức để viên mãn Tánh Đức”. Tánh Đức là giác, nhà Thiền gọi giác là “đại triệt đại ngộ”. Tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, sẽ triệt ngộ.

    5. Thiện căn và phước đức khó tu, kinh lại còn nói là “nhiều”! Ít là không được rồi! “Lũy kiếp cù lao, mạc chi năng biện” (Nhọc nhằn trải bao kiếp, chẳng thể thực hiện). Câu này là thật, tu chẳng thành công! Trong đời này, chúng ta thấy người thật sự tiếp nhận A Di Đà Phật, niệm Phật vãng sanh, đó là do thiện căn và phước đức đã tu tập, tích lũy từ vô lượng kiếp, “lũy kiếp” hãy còn quá ít! Nhìn từ kinh Vô Lượng Thọ, kinh nói vương tử A Xà Thế và năm trăm đại trưởng giả trong đời quá khứ trụ Bồ Tát đạo, cúng dường bốn trăm ức Phật. [Cúng dường] bốn trăm ức Phật là [tu tập trong] bao nhiêu kiếp? Thiện căn như vậy, vẫn chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thiện căn và phước đức của họ như vậy chưa đáng coi là nhiều! Vì từ kinh ấy, chúng ta đã thấy rất minh bạch: Họ nghe đức Phật giảng kinh Vô Lượng Thọ, nghe rất hoan hỷ, tâm dấy lên ý niệm “trong tương lai, ta thành Phật, sẽ giống như A Di Đà Phật”, chẳng dấy khởi ý niệm “ta quyết định cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Có thể thấy là họ dấy lên ý niệm trong tương lai thành Phật thì phải giống như A Di Đà Phật, chứ đời này chẳng vãng sanh, chẳng thể vãng sanh. Điều này chứng tỏ thiện căn và phước đức của họ vẫn chưa đủ nhiều, khó quá!

    Nay chúng ta nghe kinh này, có thể tiếp nhận Phật hiệu, khăng khăng một mực y theo pháp này để tu học, hết thảy đều có thể bỏ sạch, buông xuống, [tức là] thiện căn và phước đức do chúng ta tu tập và tích lũy trong quá khứ đã vượt trỗi họ quá nhiều, họ chẳng thể sánh bằng chúng ta! Từ kinh ấy, chúng ta thấy: Tôn giả A Nan thấy A Di Đà Phật, liền phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Từ kinh Vô Lượng Thọ ta thấy, ngài A Nan cầu vãng sanh, nhóm vương tử A Xà Thế chẳng cầu vãng sanh. Ở đây, kinh dạy: “Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên để được sanh về cõi ấy”.

    6. Chúng ta chỉ có một sanh lộ là cầu sanh Tây Phương Cực Lạc. Con đường này nhất định là có thể đi thông suốt, vấn đề là quý vị có chịu đi hay không? Nếu quý vị chịu đi, phải nhớ giáo huấn trong Tịnh Độ Ngũ Kinh, phải nỗ lực thực hiện, quyết định chẳng thể vi phạm, thật thà niệm Phật như vậy thì mới có thể đảm bảo vãng sanh. Nếu tâm hạnh của chúng ta hoàn toàn trái nghịch giáo huấn của đức Phật, quý vị niệm Phật kiểu nào cũng uổng công, quý vị chỉ niệm tốt lành đằng miệng, tâm chẳng lành! Phật pháp là tâm pháp, thành Phật là tâm thành Phật, chẳng phải là miệng thành Phật. Miệng chẳng thể thành Phật, tâm thanh tịnh thì mới có thể thành Phật. Vì thế, Xả rất trọng yếu, phải là muôn duyên đều bỏ, phải bỏ từ tâm địa. Chúng ta cũng phải nhận thức rõ ràng điều này, không phải là bảo quý vị “từ nay về sau chuyện gì cũng chẳng muốn làm”, chẳng phải vậy! Trong thế gian này, quý vị có gia đình, có nghĩa vụ, có trách nhiệm, đó là nghiệp, chẳng có cách nào bỏ được, ắt phải gánh lấy trách nhiệm, phải tận hết chức trách.

    7. Trong chân tâm, thứ gì cũng đều chẳng có, chân tâm ly niệm, chẳng có vọng niệm. Lục Tổ nói “vốn chẳng có một một vật”, vốn chẳng có một vật là chân tâm, có một niệm sẽ không là chân tâm, mà là vọng tâm.

    Nhưng chư vị phải hiểu, “niệm gì cũng đều chẳng có” thì quý vị vẫn có một niệm, [tức là vẫn còn] có một niệm “niệm gì cũng đều chẳng có”, phiền phức to lớn! Có “hữu niệm” là trật, có “vô niệm” vẫn trật, vẫn là vọng tâm. Trong chân tâm chẳng có “hữu niệm”, mà cũng chẳng có “vô niệm”. Hữu niệm và vô niệm đều chẳng có, đó mới là chân tâm. Chuyện này khiến cho chúng ta rất khó hiểu, hữu niệm là trật, vô niệm cũng trật, rốt cuộc phải làm sao? Rất khó, đúng là khó! Vì thế, quay lại, nói về pháp môn Niệm Phật, pháp môn Niệm Phật dễ dàng, vì sao? Quý vị suốt ngày từ sáng đến tối niệm một câu A Di Đà Phật, chính là hữu niệm chẳng có, mà vô niệm cũng chẳng có. Ta hết thảy vọng niệm đều chẳng có, đó là chẳng có “hữu niệm”! Ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật, trọn chẳng phải là “một niệm cũng chẳng có”, ta chẳng phải là vô niệm! Vô niệm và hữu niệm hai bên đều chẳng có. Một câu A Di Đà Phật là Tánh Đức trong tự tánh của chúng ta, là âm thanh của bản thể tự tánh thanh tịnh. Do đó, niệm câu A Di Đà Phật là niệm Chân Như bổn tánh, là niệm tự tánh bình đẳng, nên công đức vô lượng vô biên, chẳng thể nghĩ bàn! Hy vọng chư vị dùng chân tâm, chân tâm là tâm bình đẳng.

    8. Tâm là như thế nào? Đề tài này đã được giảng rất rõ ràng, tâm là thanh tịnh, bình đẳng và giác ngộ, Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, đây là chân tâm của mỗi người chúng ta. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật Thích Ca Mâu Ni cho chúng ta biết, Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác tức là danh hiệu của A Di Đà Phật. Tôi thường khuyên mọi người, đặc biệt ở thời đại này, chúng ta phải thay đổi tâm, cần thiết nhất là đem A Di Đà Phật để vào tâm chúng ta, tâm của chúng ta là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là tâm của chúng ta.

    A Di Đà Phật là gì? Chính là Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác. Hoặc như khi xưa ở Mỹ tôi nói là "Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi" đó tức là A Di Đà Phật, đó tức là Vô Thượng Bồ Đề Tâm. Chúng ta khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước là trái ngược lại, thì chúng ta sai rồi, tục ngữ nói "Bạn sai là vì dùng tâm sai", bạn dùng tâm sai rồi, học Phật đừng bao giờ dùng tâm sai lầm, lập đạo tràng càng không nên dùng tâm sai. Tu hành mà dùng tâm sai là tự hại mình.

    Đại khái chúng tôi nhắc lại lời nói của ba mươi năm trước, có hai mươi chữ này dùng làm tiêu chuẩn cho chúng ta tu hành. Tồn tâm là dùng tâm, tức là "Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi"; hành sự, xử sự đối người tiếp vật thì là "Nhìn Thấu Buông Xuống Tự Tại Tùy Duyên Niệm Phật". Tôi nhớ năm 1980, lúc ở Mỹ tôi có nêu ra hai mươi chữ này. Cho nên quan hệ của tồn tâm thì quá lớn, tà và chánh là theo cái tiêu chuẩn này mà phân biệt, chân tâm vọng tâm cũng là cái tiêu chuẩn này chia, tội phước vẫn là cái tiêu chuẩn này, tương ứng với tiêu chuẩn này là chánh, là thiện và là phước, làm trái ngược với tiêu chuẩn này thì tức là tai họa.

    9. Những người niệm Phật vãng sanh đi rất tự tại này, dường như đều là người không biết chữ. Điều kiện mà họ chuẩn bị, chúng ta quan sát thật kỹ, chính là thật thà, nghe lời, làm thật, đây chính là bí quyết của họ, những người niệm Phật thành tựu, những người tự tại vãng sanh này. Đương nhiên để có đầy đủ cái điều kiện này, thì cánh cửa quan trọng nhất là buông xả triệt để, không có mảy may lưu luyến đối với cái thế giới này, vậy mới được. Nếu như có một mảy may lưu luyến, vẫn còn bận tâm là không thể đi được rồi, và nếu như là thọ mạng đến rồi, thì vẫn là tiếp tục tạo lục đạo luân hồi.

    Chúng ta hôm nay xem thấy ở trên cái đĩa này, chùa Phật lai, chùa nhỏ ở nông thôn không tên tuổi gì, mà có 3 vị đại đức niệm Phật tự tại vãng sanh. Vị thứ nhất pháp sư Hải Khánh đã lưu toàn thân xá lợi, cúng dường ở trong cái chùa nhỏ này. Vị thứ 2, là mẫu thân của lão hòa thượng Hải Hiền, đi lúc 86 tuổi. 8 năm sau, lão hòa thượng muốn cải táng cho bà, đào huyệt mộ lên, thi thể không còn, không thấy nữa. Ở trong quan tài chỉ còn lưu lại mấy cây đinh, cây đinh để đóng quan tài. Lão hòa thượng Hải Hiền vãng sanh đến hôm nay là hơn 1 năm, thầy là vãng sanh vào tháng 1 năm 2013. Lão hòa thượng tương lai là có lưu xá lợi hay không? Hay là toàn thân xá lợi, hiện nay chưa có mở tháp nên không biết, thật sự là tuyệt vời. Chỉ dựa vào 4 chữ tín, nguyện, trì danh (niệm phật), thành tựu bất khả tư nghì, họ chân thật là tấm gương cho người niệm Phật trong thời kỳ Mạt pháp. Vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc là để đi làm Phật rồi, đời này thật sự là không có uổng phí, công đức viên mãn.

    10. Kinh luận dạy chúng ta: Giác tâm bất động; hễ động bèn gọi là vô minh, “do một niệm bất giác, bèn có vô minh”. Thường gìn giữ cái tâm bất động, trong hết thảy các cảnh giới thấy rất rõ ràng, nghe rất rõ ràng, không khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, đó là tự tánh giác. Trong cảnh giới, khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, tức là chẳng giác, đã mê! Nói cách khác, ta phải từ khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước quay lại, đó mới là quy y Phật. Phải dụng công, phải luyện tập trong cảnh giới, luyện tập không khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, luyện những thứ ấy. Hễ khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, bèn ngay lập tức niệm A Di Đà Phật, xóa hết sạch vọng niệm, đó mới là Quy Y, mới là “quay đầu”.

    11. Tâm phải như thế nào thì mới bình? Chư vị hãy suy nghĩ, nếu quý vị có tham, sân, si, mạn, tâm sẽ không bình. Người học Phật phải giác ngộ, phải hiểu rõ lý. Tôi còn nghe nói có nhiều đồng tu học Phật trước đây thường đến nghe kinh, nay chẳng thấy đến nữa, đi đâu? Nghe nói đi buôn bán cổ phiếu, sức dụ dỗ, mê hoặc của chuyện ấy rất lớn! Từ bỏ Tây Phương Cực Lạc thế giới, muốn làm chuyện lục đạo luân hồi! Muốn làm chuyện ấy, chư vị hãy suy nghĩ cặn kẽ, đó là tạo tham, sân, si, mạn nghi! Cứ làm như vậy, gần như là phước báo của chúng ta bị dùng hết nhanh lắm. Mọi người đều gạt bỏ phiền não, khôi phục tự tánh thanh tịnh tâm thì chúng ta mới có thể vĩnh viễn gìn giữ phước báo, mới chẳng bị tiêu mất.

    Vì vậy, muốn thiên hạ thái bình, phải làm từ chỗ nào? Làm từ chỗ tâm địa bình đẳng. Do đó, học Phật, tôi khuyên các đồng tu, quý vị hãy thử trước trong thời gian ba tháng, không cần quá lâu, suốt ba tháng không đọc báo, không nghe radio, không la cà nhà người khác, giữ cho tâm định, thật thà niệm câu Phật hiệu (A Di Đà Phật) này, đọc cuốn kinh Vô Lượng Thọ này, quý vị thử trong ba tháng mà xem! Trong ba tháng ấy, tâm quý vị nhất định thanh tịnh hơn, quý vị mới có thể thấu hiểu sự thọ dụng chân thật trong Phật pháp.

    Nhất định phải bỏ sạch hết thảy vạn duyên, khiến cho tâm quý vị thanh tịnh, bình đẳng, trí huệ và phước đức của quý vị thật sự hiện tiền. “Thị cố nhân nhân hành xứ thị hoàng kim” (do đó, người nào cũng đi nơi đất vàng ròng): Hành xứ của quý vị vĩnh viễn là bình đẳng, vĩnh viễn bất biến, chẳng bị cảnh giới bên ngoài lay động, trọng yếu lắm! Quyết định chớ nên để cảnh giới bên ngoài dụ hoặc, nhất là người học Phật.

    Back to posts
    Comments:

    Post a comment

    Chào khách | Hiện tại:
    Wap đang được hoàn thiện...
    Trình duyệt khuyến nghị: UCweb UCweb

    Tổng cộng: 133941 khách
    TOP-RATING
    Mail: admin@phathoc.wap.sh
    PhatHoc.Wap.Sh - PL 2559